Nhiều phát hiện khảo cổ học mới góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử dân tộc

01/10/2020 19:34

Hơn 450 thông báo tại hội nghị cho thấy hoạt động khảo cổ học trong năm 2019 – 2020 diễn ra đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao.

Trong 2 ngày 29-30/9, tại thành phố Hải Phòng, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng tổ chức hội nghị thông báo những kết quả phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55. Nhiều phát hiện khảo cổ học mới đã góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử dân tộc.


Các đại biểu dự hội thảo tham quan, tìm hiểu thực tế tại Bãi cọc Cao Quỳ (Hải Phòng).

Hơn 450 thông báo tại hội nghị cho thấy hoạt động khảo cổ học trong năm 2019 – 2020 diễn ra đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao. Trong đó, Khảo cổ học Tiền sử có các thông báo về Di tích có niên đại sớm nhất được khai quật là Di tích cư trú Tuần Quán 1 tại Yên Bái – niên đại hậu kỳ Đá cũ. Bộ môn Khảo cổ học lịch sử cũng có nhiều kết quả đáng quan trọng, như: Khai quật di tích Cúc Bồ (Hải Dương) – một địa điểm cư trú có niên đại thế kỷ 1-3, thuộc loại hình kiến trúc dinh thự của khu vực huyện trị thời Đông Hán hay những phát hiện liên quan đến dấu tích cọc gỗ Đại La ở Vườn Hồng (Hà Nội), dấu vết thời Trần trên đất Hoành Bồ (Quảng Ninh), hào thành và gia cố chân thành ở Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)...

Trong lĩnh vực khảo cổ học dưới nước, đáng chú ý nhất là hai cuộc khai quật bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng (xã Liên Khê và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Từ kết quả xác định niên đại tuyệt đối các mẫu cọc gỗ phát hiện được, bước đầu đoàn khai quật nhận định, di tích bãi cọc Cao Quỳ có niên đại khoảng cuối thế kỷ 13, liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 trên sông Bạch Đằng của quân dân triều Trần.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam đánh giá: Những kết quả này đã góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam.

Ông nói: "Trong 1 năm qua, ngành khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức quá trình tiến hóa của người, cùng với các cơ tầng văn hóa thời tiền sử và các thể chế chính trị - xã hội thời lịch sử; khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt gắn với những chiến công lừng lẫy, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ngành khảo học đã tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa tiến hành quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ và di sản văn hóa".

Thu Trang

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều phát hiện khảo cổ học mới góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử dân tộc" tại chuyên mục Trong nước.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục