Giá trị lớn
Hiện nước ta có 28 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, chúng ta còn có các di sản thiên nhiên và di sản tư liệu; hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được công nhận di sản trải dài trên khắp cả nước. Giới chuyên môn đánh giá, đây chính là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế. Ngược lại, di sản cũng phải dựa vào du lịch để bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị.
Thông qua du lịch di sản sẽ tạo động lực cho du lịch phát triển. Theo Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), tính riêng giai đoạn từ 2010 - 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ 5 triệu lượt tăng lên 12,9 triệu lượt (tăng gấp hơn 2,5 lần), trung bình tăng 14,5% năm. Qua đó khẳng định, mối quan hệ du lịch và di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau.
TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và làm sáng tỏ, phát huy những giá trị vốn quý của di sản văn hóa. Hoạt động du lịch dựa vào di sản ở nhiều nơi trở thành cơ sở, động lực sinh kế chính, ngành nghề chủ yếu của người dân cũng như ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Du lịch di sản hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản.
2 tháng cuối 2020, Hoàng thành Thăng Long mở tour tham quan về đêm, kỳ vọng khôi phục hoạt động du lịch di sản.
Để du lịch di sản hồi sinh
Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của COVID-19 nhiều tháng qua khiến du lịch di sản của Việt Nam lao đao. Các khu di tích trải nghiệm văn hóa trên cả nước rơi vào trạng thái “ngủ đông”, lượng khách giảm mạnh. Điển hình tại Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,02 triệu lượt giảm 75,6% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt, giảm 65% so với cùng kỳ.
COVID-19 đã được Việt Nam đẩy lùi sau đợt tái bùng phát hồi cuối tháng 7, nhiều địa phương đã kích hoạt lại hoạt động du lịch, trong đó có du lịch di sản. Hà Nội được xem là địa phương tiên phong đã, đang nỗ lực tìm hướng đi mới để các khu di tích thoát cảnh đìu hiu. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội vừa cho biết, tháng 11 và 12/2020, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, độc đáo và đầy thử thách khi tìm hiểu bí ẩn của các triều đại trong chiều dài 1.300 năm lịch sử sẽ vào hoạt động.
Du khách sẽ có hành trình tham quan quanh Hoàng thành Thăng Long vào buổi tối, xem múa cổ Tát nước đêm trăng ngay trên mặt kính hố khai quật khảo cổ với hiệu ứng ánh sáng huyền ảo, chiêm ngưỡng những cổ vật quý và đặc sắc với chủ đề “Thăng Long Hà Nội - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất” tại nhà trưng bày; Tham quan hầm T1 - Sở Chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, dâng hương tưởng nhớ vua Lý Thái Tổ... Bên cạnh đó, du khách được tham quan khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với hai điểm nhấn: trình chiếu hình ảnh bằng ánh sáng laser các hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành, trải nghiệm và lấy nước giếng Hoàng cung mang về.
Ban quản lý Di sản Hoàng thành Thăng Long kỳ vọng sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo quý giá của khu di sản. Đặc biệt sẽ tạo thành một sản phẩm văn hóa trải nghiệm hấp dẫn, thu hút đông đảo hơn nữa khách du lịch đến Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long, góp phần khôi phục du lịch di sản sau chuỗi ngày đìu hiu bởi COVID-19.