Theo thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, năm 2019, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam ước đạt 112,350 tỷ USD. Trong đó, hiện doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu ngành công nghệ thông tin (chiếm 0,76%), trong đó chủ yếu xuất phát từ thị trường xuất khẩu (chiếm doanh thu xuất khẩu chiếm 93%).
Thị trường công nghiệp nội dung số hấp dẫn nhưng không dễ khai phá đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: IT.
Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp nội dung số Việt Nam cũng chưa khai thác được nhiều từ thị trường nội địa do thị trường này đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp xuyên biên giới lớn như Google, Facebook...
Nhằm cải thiện thực tế nói trên, Bộ TT&TT đang có các định hương mới để thúc đẩy doanh thu của lĩnh vực này lên 2-3 lần trong thời gian tới. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái số sẽ phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm tìm kiếm thông tin, mạng xã hội, trình duyệt web, hệ điều hành và phần mềm phòng chống mã độc.
Theo Liên minh Viễn thông thế giới, khái niệm nội dung số hiện nay rất rộng lớn, bao gồm tất cả các hình thức đồ họa, hình ảnh, nhạc, video, streamlive và thực tế ảo, thực tế tăng cường… được tải hoặc phân phối trên các phương tiện điện tử. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp khai phá thị trường này đang rất rộng lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, trong lĩnh vực thông tin điện tử và nội dung số, hiện nay, việc có quá nhiều dịch vụ nội dung số của các doanh nghiệp trong nước phải xin cấp phép trước khi cung cấp đang là rào cản lớn ngăn trở các doanh nghiệp này gia nhập thị trường, có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
"Miếng bánh" trong ngành công nghiệp nội dung số đang bị chiếm lĩnh bởi Google, Facebook. Ảnh: IT.
Việc tiền kiểm quá nhiều cũng tạo sức ép lên đội ngũ cán bộ làm công tác này do không đủ người để làm, không còn thời gian để trau dồi nâng cao nghiệp vụ, nghiên cứu mô hình quốc tế để hoàn thiện chính sách, đồng thời chịu nhiều điều tiếng là “gây khó khăn”, “bảo hộ ngược” hay “lợi ích nhóm”.“Bằng việc trói chân các doanh nghiệp trong nước qua các thủ tục tiền kiểm, chúng ta đang làm tăng chi phí cho họ và mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp ngoài nước”, ông Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm, đồng thời cho rằng điều này cũng đi ngược lại xu thế chung và với các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đó là chưa kể đến những rủi ro pháp lý rất lớn trong nhiều năm sau đối với cơ quan cấp phép, khi mà lĩnh vực mình quản lý xuất hiện nhiều tình tiết, diễn biến, với các hình thức vi phạm mới mà quy trình cấp phép trước đó không phát hiện hết được.
Với những lý do trên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất bãi bỏ tối đa các thủ tục tiền kiểm, cấp phép không còn phù hợp và cản trở sự phát triển, để tập trung nguồn lực vào xây dựng chính sách, hậu kiểm và kiểm soát.
Cụ thể, trong năm 2020, phải trình Chính phủ cho phép sửa căn bản Nghị định 72/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đưa công nghiệp nội dung số trở thành một ngành tạo nhiều công ăn việc làm, trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp sáng tạo và kinh tế tri thức, đưa khu vực kinh tế này trở thành một khu vực kinh tế rộng lớn, quan sát được, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.