Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực ĐBSCL duy trì ổn định. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 7.200 đồng/kg; OM 5451 6.900 đồng/kg; OM 6976 6.800 đồng/kg; lúa Jasmine 6.800 đồng/kg; OM 9577 6.800 đồng/kg; OM 9582 6.800 đồng/kg; nếp tươi An Giang 5.600 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.300 – 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo thành phẩm xuất khẩu TP IR 504 ở mức 11.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu NL IR 504 ổn định ở 9.700 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 10.000 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 10.000 đồng/kg.
Giá lúa hôm nay chững lại nhưng ở mức cao |
Theo các thương lái, hiện không có lượng gạo lớn để bán dù nhiều khách hàng liên hệ. Nguyên nhân là do đợt xâm nhập mặn vừa qua đã ảnh hưởng đến vụ lúa Thu Đông ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó lúa bị kém chất lượng, không thể xuất khẩu. Mặt khác, giá lúa gạo tăng sẽ tốt cho nông dân, nhưng nếu mua với giá cao mà bán với giá xuất khẩu ký thấp trước đây, doanh nghiệp sẽ gặp khó.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 493-497 USD/tấn. Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) dự báo, thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ có nhiều triển vọng, từ nay đến năm 2025 giá gạo xuất khẩu sẽ tăng từ 15-20%.
Nguyên nhân được ông Thành giải thích là do nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung gạo thế giới bị hạn chế. Cụ thể, nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu lớn sẽ tăng do dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của một số nước xuất khẩu khác như: Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ bị sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ lụt... Mặt khác, việc nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái ngày càng nhiều do thu nhập từ trồng lúa không cao cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung bị hạn chế.