HOA TƯƠI TRUNG QUỐC LẤN ÁT HOA VIỆT DỊP CẬN TẾT

27/01/2021 14:01

Tết năm nay, các loại hoa tươi trong nước có phần thất thế trước sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại của hoa Trung Quốc.

Tại các chợ hoa truyền thống lớn như Hoàng Hoa Thám, Quảng An, Quảng Bá... và nhiều cửa hàng hoa ở Hà Nội, dịp cận Tết Nguyên đán năm nay, không khó để nhận ra sự hiện diện có phần áp đảo của các loại hoa, cây cảnh Trung Quốc.

Hoa Trung Quốc hút khách

Khảo sát của Zing, tại các gian hàng trong chợ hoa Quảng Bá - chợ hoa lớn nhất Thủ đô, bán rất nhiều các loại hoa nhập từ Trung Quốc như: Thanh liễu, tuyết mai, hoa baby, địa lan, đỗ quyên, hoa hồng... với mức giá khá rẻ.

Đặc biệt, hoa thanh liễu đủ màu sắc nhập từ Trung Quốc đang bán rất chạy tại các gian hàng trong chợ hoa này với mức giá không quá cao, khoảng 130.000-180.000 đồng/bó 5-7 cành.

"Trước kia, ngày Tết chủ yếu người dân có ít lựa chọn như hoa cúc, hoa ly, hoa hồng... Trong khi hoa Trung Quốc có nhiều mẫu mới với màu sắc đa dạng như cúc mẫu đơn, thanh liễu, tuyết mai... vừa đẹp, vừa để được rất lâu, giá lại hợp lý nên được nhiều người ưa chuộng hơn", chị Thanh, chủ một gian hàng trong chợ hoa nói. Có ngày, cửa hàng chị bán được 40-50 bó thanh liễu, tuyết mai, mỗi loại.

Tại các chợ hoa truyền thống không khó để nhận ra sự hiện diện có phần áp đảo của các loại hoa, cây cảnh Trung Quốc. Ảnh: Thanh Thương.

Chị Linh, chủ một cửa hàng ở chợ hoa, cây cảnh Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ trước đây cửa hàng chị chủ yếu bán hoa tươi được cắt tại các vườn quanh Hà Nội và Đà Lạt. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay chị thấy loại hoa thanh liễu, tuyết mai, cúc mẫu đơn rất được chuộng nên chị nhập về bán dịp Tết.

Tại cửa hàng của chị năm nay chỉ bán một vài loại hoa Việt như cúc mâm xôi, cúc vạn thọ và một số hoa rời như hoa hồng, hoa ly… Còn lại đa phần là hoa nhập từ Côn Minh (Trung Quốc) qua đường tiểu ngạch về Việt Nam.

Theo chị, những năm gần đây, người dân đặc biệt thích các loại hoa nhập khẩu dù giá không hề rẻ. "Đời sống người dân ngày càng cao khiến yêu cầu của họ ngày càng khắt khe hơn về cả mẫu mã, chủng loại lẫn chất lượng hoa", chị nói.

Không chị ở các chợ hoa, các loại hoa Trung Quốc cũng được rao bán tràn lan trên các trang mua bán online với mức giá khá rẻ. Khảo sát, cùng một loại hoa địa lan, hàng được nhập từ Đà Lạt giá khoảng 300.000-400.000 đồng/cành, hoa địa lan Sa Pa có giá 500.000-600.000 đồng/cành trong khi đó hàng nhập từ Trung Quốc chỉ có giá khoảng 50.000-150.000 đồng/cành.

Người trồng hoa gặp khó

Chị Hà (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy hoa đẹp thì mua chứ ít quan tâm đến nguồn gốc, hơn nữa cũng không biết để phân biệt đâu là hoa trong nước hay hoa Trung Quốc”.

Tuy nhiên theo một số người dùng, các loại hoa nhập từ Trung Quốc đẹp hơn, sắc hoa tươi hơn nhưng chỉ dùng được thời gian ngắn. Tết năm 2019, chị Hoài (Hà Tĩnh) mua 2 bó hoa ly nhưng chỉ mới trưng được khoảng 3-4 ngày hoa bắt đầu héo dần, khác hẳn so với loại hoa ly chị mua mọi năm.

"Thấy giá rẻ hơn mấy hàng khác nên tôi mua không ngờ tìm hiểu mới biết loại hoa ly này là hoa đông lạnh nhập từ Trung Quốc", chị nói.

Ở góc độ người trồng và kinh doanh hoa, chị Mai chủ một vườn hoa cúc ở Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi trồng hoa cả năm chỉ chờ Tết, mấy năm nay không hiểu sao hoa Trung Quốc về trà trộn vào hoa Việt khiến hoa trong nước rất khó bán".

Theo chị, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh là nguyên nhân khiến hoa Trung Quốc tràn lan trên thị trường hoa Tết dù độ bền của hoa kém hơn hẳn.

Theo chị, người trồng hoa không những phải có ra thị trường loại đẹp, giá cả phù hợp mà còn phải biết cách quảng cáo, bán hàng. "Hơn một năm nay tôi nhờ người thân lập tài khoản trên mạng xã hội tham gia vào các trang bán hàng, hội nhóm nên tìm được nhiều mối bán hàng hơn", chị Mai chia sẻ.

Những ngày cận Tết, các chủ vườn hoa ở Đan Phượng đang tất bật với công việc tỉa nụ, chăm bón, tưới nước… để cây phát triển tốt, chờ thương lái đến thu hoạch. Ảnh: Thanh Thương.

Trao đổi với Zing, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết hiện nay trên thị trường, hoa Trung Quốc xuất hiện rất nhiều và giá cả rẻ hơn hoa Đà Lạt. Nhiều tiểu thương kinh doanh không lành mạnh dù nhập hoa lan từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng nhưng khi bán ra lại giả thương hiệu hoa lan Đà Lạt, đặc biệt là thị trường phía Bắc.

Điều này khiến người trồng hoa Đà Lạt hết sức bức xúc. Trong khi việc tìm đầu ra cho hoa Tết đang gặp trắc trở thì các nhà vườn lại phải đối mặt với tình trạng nhập nhằng, mạo danh thương hiệu hoa Đà Lạt.

Theo ông, do một số loại cây ở Việt Nam chưa quan tâm sản xuất cũng như giá thành sản xuất quá cao so với cây nhập khẩu Trung Quốc khiến các thương lái vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó, có một số từ Côn Minh, Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) nhập về Đà Lạt như các loại đỗ quyên, địa lan, sen đá, xương rồng...

"Chúng tôi mong muốn lực lượng Quản lý thị trường và cơ quan quản lý Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn những sản phẩm kém chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài qua đường tiểu ngạch để hoa Việt và hoa nhập khẩu cạnh tranh một cách lành mạnh nhất", ông Sang nói.

Hoa Việt chịu thua?

Để khắc phục tình trạng đó, Hiệp hội hoa Đà Lạt đang kiến nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện dự án nhập khẩu những giống hoa mới không thông qua kiểm dịch PRA để đưa vào cho doanh nghiệp và người dân thí nghiệm sản xuất. "Từ đó nhân rộng góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng nguồn hoa và hạn chế nhập khẩu", anh chia sẻ.

Riêng sản phẩm hoa lan hồ điệp, năm nay người tiêu dùng đã quan tâm và biết đến nhiều hơn chất lượng hoa lan hồ điệp Đà Lạt. Ngoài ra, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến nhập khẩu gặp khó nên người kinh doanh hoa ưu tiên bán hoa Đà Lạt nhiều hơn. "Tỷ lệ thị trường miền Bắc nhập hoa Đà Lạt năm nay tăng lên khoảng 30-40%, đây là một tín hiệu đáng mừng", ông nói.

Hoa lan hồ điệp được trồng trong nhà kính hiện đại ở Lâm Đồng giúp sản phẩm hoa ngày càng chất lượng hơn. Ảnh: Phan Thanh Sang.

Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội cũng thừa nhận những năm trước hoa Việt bị hoa ngoại nhập đặc biệt là từ Trung Quốc chiếm ưu thế. Bởi hoa Trung Quốc có công nghệ rất phát triển trong chất kích thích và sinh trưởng, do đó mà hoa có độ dài đều, màu sắc đẹp. Còn ở Việt Nam chất lượng hoa chưa được tốt, giá thành cao.

"Đơn cử, địa lan truyền thống của Việt Nam có giá 500.000-600.000 đồng/cành nhưng địa lan Trung Quốc chỉ có giá 80.000 đồng/cành", ông nêu ví dụ.

Tuy nhiên, gần đây hoa Việt Nam đặc biệt là lan hồ điệp đã có sự cải tiến chất lượng rõ rệt. Do người trồng đã làm điều hoà tốt khí hậu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật chăm sóc cũng như điều kiện bảo quản đạt chuẩn an toàn.

Trao đổi về vấn đề tiêu dùng hoa ngày Tết, ông Nguyên chia sẻ: "Người Việt nên ưu tiên dùng hàng Việt, mua hoa, cây cảnh nên gắn với loại hoa truyền thống ngày Tết cổ truyền như: Hoa lay ơn, hoa cúc, hoa đào....".

Đối với các loại hoa lạ nhập khẩu có màu sắc sặc sỡ, cây lá màu trang trí, Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội khuyên người tiêu dùng cần lưu ý bởi loại hoa này thường được chăm bón bằng chất hóa học nhiều hơn. Trong đó, không ít loại hoa được phun thuốc bảo vệ thực vật cực độc rất dễ gây ngộ độc, viêm da, nhất là đối với trẻ em.

"Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân nên cẩn thận khi dùng các loại hoa nhập khẩu qua đường tiểu ngạch", ông nói thêm.

Nguồn https://zingnews.vn/hoa-tuoi-trung-quoc-lan-at-hoa-viet-dip-can-tet-post1176660.#html

Bạn đang đọc bài viết "HOA TƯƠI TRUNG QUỐC LẤN ÁT HOA VIỆT DỊP CẬN TẾT" tại chuyên mục Kinh Tế - Thị Trường.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục