Bé Đan Vy và các bạn biểu diễn văn nghệ nhân dịp Tết Trung thu tại Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Từ lâu, Tết Trung thu đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Nguồn gốc của dịp tết ý nghĩa này đến nay còn chưa biết xuất phát từ quốc gia nào. Những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore... cũng tổ chức ngày Tết này.
Tết Trung thu dù có sự khác nhau ở phố và ở quê, nhưng chung quy lại đều hướng đến sự đoàn viên, cũng như là dịp để trẻ nhỏ vui hơn, sống cùng cổ tích ông trăng, chú Cuội, chị Hằng.
Ở quê, xưa kia, lũ trẻ sẽ quây quần ở sân một nhà nào đó, rồi ngồi hát, kể chuyện, ăn những thứ quà quê, cùng hướng mắt lên nhìn ông trăng. Ở phố, do kinh tế khá giả hơn, Tết Trung thu được tổ chức lớn hơn với các màn múa hát của các đội nghệ thuật.
Ở trường học, thầy cô cũng hướng đến ngày này với buổi văn nghệ cho các em. Vì vậy, ngày Tết Trung thu thật sự ý nghĩa với trẻ nhỏ, bên cạnh ý nghĩa là ngày để cả gia đình bày cỗ đêm trăng để thưởng thức.
Trung thu là dịp để trẻ nhỏ vui hơn, sống cùng cổ tích ông trăng, chú Cuội, chị Hằng.
Nói về tục Tết Trung thu ở ta hồi xưa, trong sách Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính viết: "Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".
Ngày này, chúng ta thường thấy múa lân, rước đèn, bày cỗ, hát trống quân, làm đồ chơi Trung thu... Những trò này ngày nay vẫn còn được duy trì cả ở quê và thành phố. Tết Trung thu, vì vậy, càng làm nổi bật thêm nét văn hóa của người Việt Nam.