Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh

16/04/2020 09:02

Đó là tên một hội thảo khoa học quốc gia do Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2010).


Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng hoa cho 3 nữ dân quân Vĩnh Linh (Quảng Bình) ngày 24/9/1968; Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hội thảo với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, nhà quản lý các cấp và đại biểu đại diện cho hàng triệu cán bộ, hội viên, người lao động trong lĩnh vực Sinh vật cảnh (SVC) từ mọi miền Đất nước đã được nhiều chuyên gia đánh giá là một cuộc tổng kết về phong trào “Tết trồng cây” lớn nhất sau ngày Bác về với cõi thiên thu vĩnh hằng. Từ kết quả Hội thảo quan trọng trên, Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã xuất bản thành sách chuyên khảo cũng với tựa đề “Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh”. Đã 7 năm trôi qua, nhưng những hiệu ứng tích cực từ cuộc hội thảo trên tiếp tục lan tỏa không chỉ đối với tổ chức Hội, phong trào SVC Việt Nam mà còn khởi dậy và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thành một mỹ tục văn hóa mới trong nhân dân.

Mở đầu Hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có bài phát biểu đề dẫn: “Khi nói đến Bác, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đó như lẽ sống tự nhiên của Bác. Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Bác gắn liền với đời sống con người nơi đó. Về nước sau 30 năm xa cách, ta đã biết Bác xúc động thế nào khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương, đất nước. Và rất dễ hiểu khi Pắc Bó hiện lên núi Các Mác, suối Lê – nin. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào. Khi ở chiến khu Việt Bắc, lán Bác ở, nhà họp của Bác đều gắn với khung cảnh thiên nhiên nơi đó. Có đất để trồng cây, trồng rau. Ngay bãi bóng chuyền, nơi tập thể dục cũng không ngoại lệ. Khi về Hà Nội, ta đã biết Bác sống tại đó mà hôm nay chúng ta có khu di tích nơi ở và làm việc của Bác trong Phủ Chủ tịch. Khu di tích đó, không bao gồm các tòa nhà mà chỉ tính từ đường xoài đến vườn cây, ao cá và Nhà sàn Bác Hồ.

Hồ Chí Minh và di sản của Người còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh đã viết và diễn giảng về Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ, nhưng Hồ Chí Minh sống hết sức giản dị, giàu lòng nhân ái. Người mang tư duy của tương lai, luôn đi trước thời đại, không chỉ có về triết học, kinh tế, chính trị học mà trước hết là về thiên nhiên. Mấy năm gần đây trước nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới và Liên hợp quốc đã đặt ra chương trình mục tiêu trồng hàng tỷ cây xanh, các bạn đã viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra Tết trồng cây từ nửa thế kỷ trước cho nhân dân mình”…

Bác Hồ với thiên nhiên là như vậy. Hòa đồng với thiên nhiên không chỉ vì cảnh sắc của thiên nhiên đẹp mà chính vì cần môi trường sống trong lành. Có nhiều cây xanh, rừng rậm, bãi sú vẹt, rừng ngập mặn sẽ giảm bớt tai họa của bão lũ, khô hạn, sông biển, triều cường. Nhất là ngày nay với nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, tư duy của Bác Hồ về thiên nhiên, quan niệm về trồng cây xanh, về cách ứng xử với thiên nhiên của Bác càng gần gũi và thời sự hơn bao giờ hết đối với chúng ta. Với thiên nhiên, tư duy và cách ứng xử với thiên nhiên của Bác Hồ như trên chỉ có thể hiểu theo tầm nhìn về một nhân cách Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực SVC càng khẳng định vườn cây, ao cá Bác Hồ có giá trị gắn với tâm hồn, lối sống của Bác…

Nhìn từ góc cạnh các nghệ nhân SVC, thì Bác đã có sáng kiến cùng anh em giúp việc cứu chữa cho một cây cổ thụ bị lũng thân sắp chết. Bác cùng anh em chăm sóc và tô điểm cho hàng bụt mọc trở nên hấp dẫn. Bác cũng cùng anh em lựa cách kéo cho rễ cây cổ thụ gắn xuống đất tạo cảnh “cổ - kỳ - mỹ” như cách nói của các đồng chí ngày nay. Việc đáng ghi nhớ nữa là những giò phong lan ghép vào một gốc cây già phía dãy nhà cấp 4. Kỳ lạ sao những giò phong lan đẹp một cách lạ thường. Lan đẹp nhưng cách chơi lan của Bác rất đẹp. Các đồng chí nữ, các em, các cháu là anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam ra thăm Bác đều được Bác ngắt những bông hoa lan đẹp nhất tặng cho”.

Thay mặt Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực đã có bài phát biểu chào mừng rất xúc động về “Tình yêu thiên nhiên của Bác xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng”. Bài phát biểu có đoạn viết: “Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang vào giai đoạn rất khốc liệt, đế quốc Mỹ không chỉ đánh phá ở miền Nam mà còn dùng cả lực lượng không quân đánh phá miền Bắc, nhằm hủy diệt con người và thiên nhiên Việt Nam. Tại thời điểm đó, Bác viết bài “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” và Người kêu gọi nhân dân ta trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Vô cùng xúc động, trong bài viết cuối cùng, ngày 02/5/1969, Bác vẫn nhắc nhở, động viên, cổ vũ nhân dân trồng cây gây rừng, lợi ích của trồng cây là “ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng” nên “biến đồi trọc thành vườn cây”. Ngay cả đến lúc đi xa, trong Di trúc thiêng liêng của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng, “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Đến với Hội thảo, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cung cấp danh mục tư liệu gồm trên 50 bức ảnh về hoạt động trồng cây của Bác và 15 bài viết, bài nói của Bác có liên quan đến chủ đề “Tết trồng cây”. Từ bài viết đầu tiên ngày 14/9/1958 đến bản Di chúc thiêng liêng của Người với gần 30 trang viết đã hệ thống lại tư tưởng của Bác về một cuộc cách mạng cảnh quan thông qua phong trào Tết trồng cây mà Người luôn gương mẫu thực hiện.

Đồng chí Bùi Kim Hồng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch qua bài viết “Vườn cây Bác Hồ trong khu di tích Phủ chủ tịch một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, môi trường sống trong lành” đã giới thiệu tỷ mỉ về 1.271 cá thể cây trồng thuộc 161 loài, 54 họ thực vật, 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc nước ngoài, 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài cây hoa cây cảnh…Những cây xanh nơi đây còn gắn với những giá trị lịch sử, văn hóa, ngoại giao và cả những kỷ niệm về những lần được Bác hướng dẫn chăm sóc, chữa bệnh, uốn tỉa cho cây.  

Khác với hàng chục bài tham luận của các nhà khoa học tại Hội thảo thường đi sâu phân tích những giá trị nhiều mặt từ phong trào Tết trồng cây và những bài viết, bài nói và việc gương mẫu trồng cây của Bác để thấy rõ hệ thống quan điểm, toàn diện và sâu sắc của Bác Hồ với thiên nhiên, môi trường và SVC, GS.TS Nguyễn Quang Thạch lại dành thời gian nghiên cứu kỹ nơi ở và làm việc của Người để thấy rõ nghệ thuật bài trí không gian sống hài hòa với thiên nhiên, có kết cấu mở, bình dị, gần gũi với làng quê Việt Nam nhưng vẫn đậm nét văn hóa dân tộc, có kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại: “Năm 1957 trong một lần Bác Hồ cùng các đồng chí quân ủy Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308. Khi dừng chân tại địa điểm Đá Chông (Ba Vì), Bác thấy phong cảnh ở đây sơn thủy hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ. Phía đông có dãy núi Tản Viên, có sông Đà liền kề. Phía Tây có dãy núi Thiết Sơn (Lưỡi hái), thế đất có hình dáng “phong thủy” lại lợi nhiều về mặt quân sự, Bác đã quyết định chọn vị trí này là “Khu căn cứ địa K9” để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài…Cảnh quan thiên nhiên nơi Bác sống là làm việc tại Thủ đô Hà Nội được bố trí hài hòa và nghệ thuật. Nơi Bác làm việc, có hàng cây cau cảnh cao vút chen lẫn các cây cổ thụ như đa, xà cừ, tếch. Các loại cây bóng mát có hoa như phượng vĩ, ô môi, ngọc lan xen lẫn với các loại cây ăn quả. Những khóm tre xanh, tre ngà lồ ô bên các loại cây bụi thấp hơn như muồng, chà là, cây móc, cây cau đẻ. Cuối cùng là các loại hoa thân mềm, cây cảnh nổi bật trên thảm cỏ. Tất cả tạo nên màu sắc tươi mát, sự gần gũi của toà nhà vốn là cơ quan đầu não của Nhà nước. Khu vực nhà sàn là nơi Bác Hồ ở (từ năm 1958 đến năm 1969). Bác đã tạo nên một môi trường sống với vẻ đẹp tự nhiên gần gũi và bình dị như bao làng quê Việt, một bức tranh sơn thủy hài hòa, thể hiện bản sắc văn hóa và lối sống Việt Nam. Vườn cây ăn quả với các loại hoa quả thuộc mọi miền Tổ quốc. Vườn hoa với các loại hoa gần gũi thân thuộc với từng người dân Việt Nam như hoa nhài, hoa mộc. Hàng rào dâm bụt (dâng bụt) quanh nhà đơn sơ mà gợi nhớ hồn quê Việt. Ao cá được bao bọc xung quanh là hàng bụt mọc, phưỡng vĩ, hoa sữa, rặng liễu và hàng tường vi đỏ tím. Trong vườn cây có một khoảng đất rộng chừng 100 mét vuông được trải sỏi cạnh đường Xoài phía sau Phủ chủ tịch đồ sộ được bố trí một giàn hoa giấy được gọi là “Giàn hoa Phủ Chủ tịch”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách trong và ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời. Người coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian”.

Đáng chú ý trong loạt bài viết với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thiên nhiên và SVC vào xây dựng tổ chức Hội và phong trào SVC ở các địa phương trong cả nước, là các bài viết: “Thái Nguyên xây dựng vườn cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, “Bình Định học tập lối sống hòa đồng với thiên nhiên và chăm sóc SVC vào phát triển SVC trên quê hương người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ”, “Từ nhận thức Bác Hồ với thiên nhiên và SVC đến hành động thiết thực của Hội SVC TP. Hồ Chí Minh”, “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, Đồng Tháp hình thành vườn SVC trong khu Di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Người”, “Đà Nẵng phát triển cây xanh, cây cảnh trong quá trình đô thị hóa là góp phần thực hiện Di chúc thiêng liêng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “Tết trồng cây và chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng trên quê hương Bác”…

Những nội dung tư tưởng quan trọng từ cuộc Hội thảo có quy mô và tầm vóc lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm hoạt động của Hội SVC Việt Nam nêu trên và những việc làm thiết thực hiệu quả của các cấp Hội, các tầng lớp nhân dân trong  việc tích cực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, khoa học, kinh tế, xã hội trong lĩnh vực SVC đã thể hiện rõ quyết tâm hiện thực hóa cuộc cách mạng cảnh quan “làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp”, “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Từ đó, càng giúp chúng ta thêm tin tưởng trong nhiệm kỳ VI (2017 – 2021) của Hội SVC Việt Nam toàn thể cán bộ, hội viên, các cấp Hội, người sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ SVC và những người yêu thiên nhiên chung sức đồng lòng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng SVC thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao có đóng góp tích cực hơn nữa vào mục tiêu chung của Đất nước trên bước đường Đổi mới, Hội nhập và Phát triển hôm nay.

Việt Nam nên tự hào về nền cây cảnh nghệ thuật lâu đời của ông cha Việt Nam nên tự hào về nền cây cảnh nghệ thuật lâu đời của ông cha

Năm 2018, đoàn nghệ nhân Bonsai Quốc tế đã đến thăm Việt Nam và trải nghiệm nét đẹp văn hóa cây cảnh nghệ thuật tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp đó, phóng viên Quyết Tuấn có cuộc trò chuyện với nghệ nhân...

Quyết Tuấn
Nguồn https://vanhien.vn/news/bac-ho-voi-thien-nhien-va-sinh-vat-canh-50920

Bạn đang đọc bài viết "Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh" tại chuyên mục Văn hóa - Thông tin.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục