Giải pháp thúc đẩy ngành hoa lan phát triển nhanh, mạnh và bền vững

18/09/2020 10:40

Đó là nội dung Tọa đàm "Giải pháp ứng dụng KHCN trong bảo tồn, chăm sóc, nuôi trồng, kinh doanh hoa lan hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu" do Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội sẽ tổ chức vào ngày 20/9/2020 tới đây tại Hà Nội.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 8/4/2018, trong đó xác định hoạt động sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 07 nhóm ngành phát triển nông thôn, thì hoạt động nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh hoa lan phát triển mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. TP. Hồ Chí Minh đã xác định hoa lan là một trong 06 mặt hàng chủ lực được ưu tiên phát triển của ngành Nông nghiệp. Ở nhiều tỉnh/thành đã phát triển hoa lan với quy mô hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở nông thôn và thành thị.

Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID19 nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh khác bị đình trệ nên có một bộ phận đã chuyển vốn sang kinh doanh ngành hoa lan nói chung, hoa lan đột biến nói riêng. Vì vậy số lượng người mới tham gia vào ngành hoa lan tăng nhanh tạo ra sự sôi động của thị trường kinh doanh ngành này.

phong chuan

Tuy nhiên cũng từ đó, hoạt động bảo tồn, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan cũng đã bộc lộ một số hạn chế không chỉ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành mà còn khiến cho những giá trị tốt đẹp vốn có của hoạt động này bị méo mó, thậm chí gây ra những thông tin trái chiều trong dư luận. Đó việc xuất hiện những hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi thông qua các giao dịch lan đột biến trá hình; Các hoạt động giao dịch mua bán rầm rộ thông qua mạng xã hội với hiện tượng thật giả lẫn lộn gây ra những hiệu ứng phản cảm đối với xã hội và gây những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý; Sự hiểu biết các quy định của pháp luật trong hoạt động bảo tồn, chăm sóc, kinh doanh hoa lan của một bộ phần người dân còn nhiều hạn chế...

Từ đó, đặt ra yêu cầu những tổ chức hoạt động chuyên ngành, những chuyên gia tâm huyết và những người sản xuất, kinh doanh hoạt động trong ngành hoa lan chân chính cần phải đưa ra giải pháp để kịp thời khắc phục những bất cập có liên quan, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, phổ biến những tiến bộ KHCN có liên quan và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hoa lan trong việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan, một mặt nâng cao giá trị gia tăng gắn với sự phát triển bền vững ngành hoa lan phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cùng một số cơ quan tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ứng dụng KHCN trong bảo tồn, chăm sóc, nuôi trồng, kinh doanh hoa lan hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu" vào ngày 20/9/2020 tại Hà Nội.

tc1234

Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và đại diện một số nhà tổ chức, nhà vườn tiêu biểu trong hoạt động bảo tồn, nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa lan sẽ tập trung trao đổi, bàn luận sâu về một số nội dung chính như sau:

1. Hệ thống những cơ sở pháp lý, những cơ chế chính sách hiện hành có liên quan đang điều chỉnh hoạt động bảo tồn, nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa lan.

2. Đánh giá thực trạng, tiềm năng, triển vọng và xu hướng phát triển của ngành hoa lan với mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

3. Sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển nguồn Gene hoa lan bản địa quý hiếm của Việt Nam thông qua việc: Giải mã nguồn Gene và đăng ký bản quyền thực vật Quốc tế; Nhân giống và đưa trở lại môi trường rừng tự nhiên những dòng phong lan bản địa quý hiếm; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn Gene hoa lan bản địa quý hiếm...

4. Ứng dụng công nghệ trong quản lý và truy xuất nguồn gốc xuất xứ các loại hoa lan bản địa quý hiếm để minh bạch hóa thông tin, hình thành ngân hàng dữ liệu có liên quan trong quá trình bảo tồn, nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh...

5. Cảnh báo và lên án mạnh mẽ những thủ đoạn lừa đảo, hoạt động bảo tồn, nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa lan vi phạm pháp luật, những hành vi gây tổ hại đến cộng đồng và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành hoa lan.

6. Đánh giá một số hoạt động thiện nguyện, hoạt động công ích và những đóng góp tích cực đối với xã hội của cộng đồng những người yêu hoa lan trong thời gian vừa qua. Đặc biệt trong công tác ủng hộ phòng chống COVID19.

7. Khuyến nghị tới cơ quan chức năng một số giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển bền vững ngành hoa lan với tư cách một ngành hàng phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cũng sẽ dành thời gian trả lời những câu hỏi có liên quan của các cơ quan Thông tấn báo chí; Đồng thời giao lưu trực tuyến trả lời những câu hỏi băn khoăn từ phía cộng đồng những người đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc, sản xuất, kinh doanh, sưu tầm thưởng lãm hoa lan trong toàn Quốc.

Vương Xuân Nguyên
Nguồn http://vanhien.vn/news/giai-phap-thuc-day-nganh-hoa-lan-phat-trien-nhanh-manh-va-ben-vung-79390

Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp thúc đẩy ngành hoa lan phát triển nhanh, mạnh và bền vững" tại chuyên mục Hoa lan Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục