Ngành hoa, cây cảnh: Sản xuất vẫn chưa gắn với yêu cầu thị trường

24/04/2021 14:30

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển hoa, cây cảnh tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, bất cập. Ngành hoa, cây cảnh được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất vẫn chưa gắn với yêu cầu thị trường.

Sáng ngày 23/4, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), Câu lạc bộ Đổi mới và Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả tổ chức hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Hoa, Cây cảnh chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô

Theo thống kê, đến nay cả nước có khoảng 35.000 ha tập trung chuyên canh hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở cả hai miền. Trong vòng 15 năm qua, diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định…

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển hoa, cây cảnh tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, bất cập. Ngành hoa, cây cảnh được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh còn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động liên kết lỏng lẻo. Đặc biệt, thị trường hoa cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp, nhất là luồng ý kiến trái triều về hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua.

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực hoa, cây cảnh, GS.TSKH Trần Duy Quý – Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất. Trong đó, tập trung vào các khía cạnh tích tụ đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh…

Trong khi đó, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường đổi mới công nghệ chọn tạo giống hoa, cây cảnh và công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong đó, tập trung vào một số loại hoa cao cấp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu như: Lan, Lily, cẩm chướng…

Nguyễn Hạnh
Nguồn https://baomoi.com/nganh-hoa-cay-canh-san-xuat-van-chua-gan-voi-yeu-cau-thi-truong/c/38613920.epi?fbclid=IwAR06l_r3WVFMBUUnbrnnL3vxCuPIagTUKy_Amf0ratBbSaCHOplbcQha8e0

Bạn đang đọc bài viết "Ngành hoa, cây cảnh: Sản xuất vẫn chưa gắn với yêu cầu thị trường" tại chuyên mục Tin tức.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục