Ngành nông nghiệp phấn đấu để Nông dân giàu có, văn minh và đảm bảo môi trường sinh thái

28/01/2021 18:01

Đó là nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Phát biểu tham luận tại Đại hội XIII của Đảng vào chiều ngày 27/01/2021. Dưới đây là lược thuật của từ trang Thông tin Chính phủ xin gửi tới bạn đọc bài phát biểu quan trọng nêu trên.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề do thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19...

Nhưng với sự đồng lòng, chung sức phấn đấu của cả nước, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt khi kinh tế-xã hội khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nông nghiệp đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Đại hội

15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn, đạt nhiều kết quả quan trọng; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của toàn xã hội. Quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền để bảo đảm sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu gây ra.

Các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được tập trung tháo gỡ. Hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành.

Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn hơn.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đã có trên 3.200 sản phẩm OCOP được công nhận.

Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, phát triển nâng cấp các chuỗi giá trị trong nước và chế biến, xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, chất lượng cao, thúc đẩy thương mại nông sản chính ngạch. Tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế như thủy sản, rau, hoa, quả, đồ gỗ và lâm đặc sản...

Đến nay, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra (và cao hơn nhiều so với mức đạt 30,45 tỷ USD của năm 2015), đưa Việt Nam vào nhóm đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

“Nông sản Việt đã bước lên một tầm cao mới và khẳng định tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong quá trình hội nhập quốc tế...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn “thay da đổi thịt” hằng ngày, phát triển văn minh và hiện đại hơn.

Giai đoạn 2010-2020, cả nước đã huy động trên 3 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%… Hết năm 2020, có 62% số xã, 173/664 (26%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 12/63 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn. Đến 15/1/2021, đã có 4 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam) được công nhận tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới...

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trước hết phải quán triệt, tuyên truyền, thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của các cấp, các ngành, địa phương và người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư.

Thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, đi đôi với đẩy mạnh Chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch đồng bộ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ với những điều kiện an sinh xã hội tốt hơn. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái. Huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, bảo đảm khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; triển khai phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bạn đang đọc bài viết "Ngành nông nghiệp phấn đấu để Nông dân giàu có, văn minh và đảm bảo môi trường sinh thái" tại chuyên mục Tin tức.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục