Phố Hàng Đồng (Hà Nội).
Đúng như tên phố Hàng Đồng, người dân Hà Nội và khách thập phương đến đây có thể mua được những sản phẩm từ gò đúc đồng rất đẹp, độc đáo và mang hồn dân tộc. Theo lịch sử thì nghề này có nguồn gốc từ làng Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh. Ông tổ là Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 tại làng Đại Bái trong một gia đình nho giáo. Chính người Đại Bái đã mang công nghệ và kinh nghiệm ra phát triển ở đất Thăng Long- Hà Nội.
Chúng tôi đến phố Hàng Đồng vào một buổi sáng chớm đông nắng đẹp. Ngắm nhìn con phố khoác trong mình vẻ thâm trầm như bao con phố cổ khác ở Hà Nội thấy nao lòng vì giữa sự phát triển đô thị chóng mặt vẫn còn đó nhưng phố cổ rêu phong. Phố Hàng Đồng tĩnh lặng với những mái ngói nâu, tường cũ và những căn nhà mặt tiền hẹp dạng ống sâu hun hút. Phố Hàng Đồng gắn với việc kinh doanh mặt hàng đồ đồng và vẫn còn một số gia đình còn làm nghề gò đồng như nhà nghệ nhân Nguyễn Công Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, đây là một con phố hiếm hoi còn lưu giữ lại đặc trưng của đất Kẻ Chợ xưa.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, số 32 Hàng Đồng, người cao tuổi nhất kể lại thuở xưa phố Hàng Đồng làm nghề sản xuất và buôn bán đồ đồng sầm uất vì đây là nơi duy nhất cung cấp mâm, xoong, nồi, chảo đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Ban đầu chỉ là những vật dụng thông thường, sau này những người thợ gò đồng trong phố cải tiến, làm cả những mâm giả cổ bằng đồng, quả cầu đồng, đĩa mỹ nghệ dùng để trang trí rồi tới cả cồng, chiêng… Người ta còn lấy hàng đồng đúc như hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa từ các làng nghề Cầu Nôm (Hưng Yên), Ngũ Xá (Hà Nội) về kinh doanh. Không chỉ là người của Kinh thành Thăng Long sử dụng đồ đồng ở phố, dân các nơi khác cũng tìm đến phố Hàng Đồng để sắm sửa và có thời gian sau này, người phố Hàng Đồng còn xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước. Thời gian khiến nghề gò đồng mai một dần và người dân trong phố lựa chọn hình thức kinh doanh đồ đồng do các làng nghề lân cận cung cấp là chủ yếu. Nhưng cũng còn một số gia đình, vốn gắn bó với nghề gò đồng từ thủa nghề mới bén rễ ở đất Kẻ Chợ. Bởi một quan niệm mà người ta cho rằng đó là một nghề cha ông để lại nên yêu nó và buộc phải gìn giữ. Hiện nay số nhà còn xưởng gò đồng ở phố Hàng Đồng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Thắng (cửa hàng Vinh Thắng số 32 Hàng Đồng) tâm sự: “Bây giờ thị trường đồ dùng đa dạng như đồ gốm, đồ nhôm, kim loại, hợp kim… rất nhiều và đẹp nhưng cũng có những đồ vật không thể thay thế được như đồ thờ, đồ mỹ nghệ… nên nghề tổ vẫn có chỗ đứng. Mặc dù lượng mua không nhiều như xưa kia nhưng nghề tổ vẫn sống được”.
Một trong những lý do không thể bỏ nghề là anh thực sự xúc động khi thỉnh thoảng có một cụ ông mang tới một cái ống nhổ đến để tân trang lại vì ông muốn giữ lại kỉ vật của người vợ đã mất hay một cụ bà mang đến cái lư hương đã cũ lại bị gẫy mất một chân để sửa lại với lý do: đó là thứ đồ chồng bà xưa kia phải tằn tiện mãi mới mua được. Có thứ đồ cũ quá anh khuyên khách mua đồ mới vì tiền sửa chữa cũng gần bằng tiền mua đồ mới mà đồ mới giờ đẹp hơn. Tâm lý khách hàng đã mang đồ cũ đến sửa đều không đồng ý thay đồ mới vì với họ đó là kỷ vật quý đã gắn bó với họ rất lâu năm… Chỉ cần nhìn họ gói kỹ món đồ trong một tấm vải đỏ rồi từ tốn mở ra yêu cầu anh sửa lại anh mới biết thứ đồ họ mang đến quý giá thế nào. Thường những người như thế không bao giờ bỏ đồ lại để chờ hẹn ngày lấy mà họ ngồi lại xem anh làm đến lúc ưng ý như cũ mới thôi. Nhìn vẻ mặt mãn nguyện của họ khi sửa xong món đồ làm anh thấy nghề của mình được trân trọng.
Tác giả và nghệ nhân Nguyễn Công Sơn với cúp bằng đồng giải thưởng Keeng Young Awards.
Khi đến cửa hàng của nghệ nhân Nguyễn Công Sơn, số 26 Hàng Đồng thấy anh ngồi bình thản gò đồng làm hoa sen với vẻ mặt an yên, không để ý đến dòng người qua lại ồn ã mua bán bên cạnh. Quả thật, giữa dòng chảy cuộc sống, bắt gặp một người thợ thủ công đang còng lưng, lách cách gò đồng là vô cùng hiếm hoi. Anh Sơn cho biết, gốc gác của gia đình anh ở làng gò đồng Đại Bái, gắn bó với nghề gò đồng ở con phố này gần 100 năm nay, từ thời ông nội của anh. 8 - 9 tuổi, anh đã biết cầm cái búa, cái chạm và trở thành nghề kiếm sống của anh hơn 30 năm qua, đến nay không phải vì yêu nghề thì có lẽ anh không còn gắn bó với nó vì nghề này vất vả lại kén khách. Cửa hàng của anh nhỏ nhưng sáng choang các loại đồ đồng do anh tự làm như tranh mừng thọ, bình hoa sen đồng, hạc đứng trên mai rùa… Khi tôi hỏi cách làm ra một sản phẩm. Anh chia sẻ: “Với hoa sen đồng thì dùng đồng lá thúc lên rồi uốn để cánh hoa mềm mại như bông hoa tươi ở trong đầm. Còn tranh chữ thì đơn giản lắm, chữ đã ép trên máy rồi đóng vào khung. Riêng cuốn thư đồng chạm khắc rất cầu kỳ tỉ mẩn cả chục ngày mới xong. Với đồng hun cũng phải có bí quyết gia truyền, dùng lửa hun phải canh thời gian rất nghiêm ngặt. Nếu quá lửa thì sẽ cho ra một sản phẩm không đẹp. Riêng làm hàng đặt cho khách hàng, việc đầu tiên là làm khuôn rồi nấu đồng đổ theo chi tiết. Nồi đồng nằm trong lò than chờ nguội rồi mài, dũa, đánh bóng, sau đó mới chạm khắc. Nói thì đơn giản vậy nhưng khi làm rất kỳ công”.
Vì yêu nghề, lại có đôi bàn tay khéo léo và con mắt nghệ thuật nên anh làm thành thạo tất cả các sản phẩm, cho dù phức tạp tới đâu. Tôi còn được vợ anh cho xem ảnh chiếc cúp bằng đồng giải thưởng Keeng Young Awards vinh danh những nghệ sĩ dưới tuổi 30 vào ngày 16.01. 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh do chính tay anh làm.
Theo anh Sơn, gò đồng là nghề Tổ nên thế hệ các anh cũng như con cháu anh phải gắn bó và gìn giữ. Bởi vậy hàng năm cứ tới ngày 29-9 âm lịch, cả nhà lại đóng cửa hiệu, từ chối tất cả các khách đặt để về quê hương Đại Bái giỗ Tổ nghề. Dù gia đình mấy đời đã lập nghiệp ở Hà Nội nhưng các anh- những người con làng Đại Bái vẫn theo hương ước của đình làng, vẫn tham gia và đóng góp đầy đủ khi giỗ tổ ở quê hương. Qui định 45 tuổi rước ngựa, 46; 47 tuổi rước kiệu, 48 tuổi trình giầu. Đến năm 49 tuổi- tứ cửu ra trông đình, một năm thì lên lão và có nghĩa vụ và trách nhiệm như những cụ ông của làng. Đám rước các cụ làm rất bài bản và nghiêm cẩn, đầu tiên rước ngựa và kiệu từ đình làng ra lăng tổ để mời cụ tổ về đình, làm lễ xong thì dân làng mới được vào dâng hương.
Chúng tôi lại sang nhà anh Nguyễn Đình Dũng, số 24 Hàng Đồng. Anh đang làm cần lắp đèn đan mây thành những chao đèn trong các resort đặt hàng. Anh kể ngày xưa cả phố gò đồng vui lắm. Mỗi nhà xong một món hàng đặt là chạy sang ngắm nghía bình phẩm, góp ý. Sau có thành lập hợp tác xã Đông Thành nhưng cũng giải tán. Giờ số người gò đồng còn rất ít. Trước đây các xưởng gò đồng ở đây chủ yếu sản xuất các đồ gia dụng trong nhà như: Mâm, thau, nồi, đình, bát hương, lọ hoa, hạc thờ... Dần dần, để phát triển nghề truyền thống, người dân còn sáng tạo thêm những sản phẩm là các vật lưu niệm, chữ đúc, tủ, tranh đồng, tượng điêu khắc... nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng và khách du lịch.
Những sản phẩm bằng đồng không chỉ đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cũng được chú ý. Hiện nay công nghệ 4D mới được áp dụng vào trong các sản phẩm bằng đồng làm nổi bật các đường nét, hoa văn, nâng giá trị của sản phẩm. Vì vậy, một bộ đồ thờ đẹp có giá từ 5-7 triệu đồng trở lên. Thậm chí có bộ có giá hàng trăm triệu đồng tùy chất liệu, họa tiết, mẫu mã, độ khó, công nghệ... Càng cầu kỳ, tinh xảo bao nhiêu thì giá trị càng cao.
Phố Hàng Đồng là một trong những phố cổ ba mươi sáu phố phường Hà Nội còn giữ nét cổ xưa. Giữ gìn nghề tổ là những người con xứ Kinh Bắc. Ngày nay khi dạo phố Hàng Đồng, du khách phương xa vẫn như được đắm chìm trong không gian của phố cổ có nghề từ xa xưa. Không chỉ những cửa hàng bày bán hàng trăm mặt hàng đồ đồng mà còn có những người thợ đam mê với công việc với ngón nghề gia truyền tinh xảo. Vẫn những nghệ nhân già truyền dạy cho lớp trẻ đam mê của nghề gò đúc chạm khắc. Những lá đồng được dàn mỏng tang, dưới bàn tay tài hoa như có phép màu tạo nên những bức tranh đồng với hình ảnh cỏ cây, hoa lá, mây trời, núi non, con người… cứ theo nét chạm đục mà hiện dần lên mềm mại trước sự kinh ngạc của khách nước ngoài.
Có lẽ, phố Hàng Đồng vẫn còn những người như anh Thắng, anh Sơn, anh Dũng… thì phố cổ nghề Thăng Long của những người con Kinh Bắc vẫn mãi tồn tại.