Mì vằn thắn
Ảnh minh họa |
Mì vằn thắn của Hà Nội ngon, thanh. Nước dùng được ninh từ xương và thêm cả hải sản nên không bị ngấy. Đi nhiều nơi, thấy bát vằn thắn lõng bõng mỡ là nhớ Hà Nội vô cùng. Dù mì không có gốc gác nơi này. Nhưng sự tinh tế của người Tràng An khiến món ăn trở nên nên đượm tình.
Một tô đầy đủ sẽ có mì trứng, sủi cảo, thịt xá xíu, trứng, tôm, nấm hương, rau cải cúc, hẹ xanh… Nếu ai không muốn dùng mì thì có thể gọi sủi cảo. Sủi cảo thì không có mì nên những người ăn ít sẽ không lo bỏ thừa lại. Mùa đông, ngồi xuống ghế nhựa đỏ, gọi một tô mì đang nghi ngút khói nước dùng thanh ngọt thấy ấm cả người.
Địa chỉ tham khảo: 9 Đinh Liệt; 54 Hàng Chiếu - mì vằn thắn Bình Tây; 98 Hòa Mã - Mì vằn thắn ông Già; 125 Mai Hắc Đế;...
Bánh đúc nóng
Ảnh minh họa |
Hồi ở quê nhà chỉ thấy người ta bán bánh đúc nguội tròn tròn, nặn thành những bánh, chấm nước mắm. Đến khi ra Hà Nội mới biết thêm bánh đúc nóng. Loại bánh thơm mùi bột gạo, hành phi. Quậy được một nồi bánh đúc vừa vặn cũng lắm công. Chẳng dễ gì để bánh tan đều, không bén mà vẫn mềm mềm, dai dai. Bánh đúc nóng sẽ ăn cùng với nhân thịt xay xào với mộc nhĩ và hành lá. Nước dùng được làm từ nước mắm, pha cùng với xương hầm đun lên. Bát bánh lúc nào cũng nóng hổi. Một số quán sẽ cho thêm vài ba miếng đậu phụ chiên vàng ruộm cùng một chút mùi ta.
Bánh đúc rẻ, cỡ 15.000 đồng một bát. Người ta ăn bánh đúc thường là để ăn chơi. Nhưng có người nghiền quá ăn một lúc liền mấy bát. Hàng bánh đúc thường bé tẹo, sâu trong những con ngõ dài hoặc khuất khuất sau hàng loạt quán xá xa hoa. Dẫu vậy, người ta vẫn theo thói quen và nhung nhớ mà tìm đến.
Địa chỉ tham khảo: 8 Lê Ngọc Hân; C4 Trung Tự; 296 Minh Khai,....
Bánh trôi tàu
Ảnh minh họa |
Bánh trôi tàu là thức quà khiến người ta nhớ mùa đông Hà Nội nhất. Trong quê, người ta gọi bánh trôi tàu là bánh nhè. Ấy là thứ bánh mềm được làm từ bột gạo nếp, thơm nhân vừng đen hoặc đậu xanh giã nhuyễn, ấm vị gừng tươi, ngọt ngọt của mật mía nấu lên. Bát bánh trôi tàu lúc nào cũng có thêm một chút dừa nạo ngòn ngọt và đậu phộng béo béo.
Ăn bánh trôi không lùa một phát hết ngay được vì bánh nóng. Lúc nào người ta cũng đun riu riu nồi bánh trên bếp để giữ lại sự ấm áp cho mùa đông. Dù gió thế nào, dù lạnh thế nào mà chỉ cần được húp một xíu nước gừng quyện với bánh trôi là lại thấy ấm áp ngay được.
Địa chỉ tham khảo: 30 Hàng Giầy (quán của bác Phạm Bằng ngày xưa, hiện cho con bán); 1 Bát Đàn - Chè bà Thìn...
Ốc luộc
Ảnh minh họa |
Mùa đông không phải mùa ốc béo. Nhưng thỉnh thoảng te tắt, gọi một vài bát ốc luộc ăn chơi thì cũng vui miệng lắm. Ốc sau khi được ngâm nước qua đêm cho ra hết nhớt thì rửa lại cho sạch. Đến khi có khách gọi thì mới bắt đầu luộc lên cùng một chút xả. Ốc luộc không dùng nước nên vẫn giữ được độ ngọt và dai sần sật. Nước chấm người Hà Nội pha khéo. Chỉ một chút chanh, đường, đập lên lát gừng rồi băm thêm ít xả, ớt bằm…
Ốc ở Hà Nội không nhiều kiểu, nhiều loại như Sài Gòn hay các thành phố biển khác. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là ốc vặn, ốc đá hay ốc mít. Tiện miệng ra quán thì khách toàn gọi: Cho bát ốc to, bát ốc nhỏ… là chủ quán nhanh thoắn thoắt. Nhiều hàng đến nay vẫn còn dùng gai bưởi để khách khều ốc, chẳng khác gì mấy nhà ở quê.
Địa chỉ tham khảo: 1A Đinh Liệt - Ốc Hà Trang; 88 Cửa Bắc - Ốc chị Lệ;....
Mì gà tần
Ảnh minh họa |
Mì gà tần là một món ăn khá đặc biệt trên phố Hàng Bồ Hà Nội. Ngày xưa, lúc nào đi ngang qua ngã tư Hàng Bồ - Hàng Ngang, Hàng Đào cũng thấy đông nghẹt. Người ghé quán ăn để xe ít cả bên đường.
Mì gà tần hàng Bồ dùng vắt mì tôm như bình thường chứ không phải mì trứng như vằn thắn. Nhưng cái đặc biệt ở đây là hương vị của gà tần kỹ với thuốc bắc thơm mùi ngải cứu, táo tàu, hạt sen, kỷ tử… Nước dùng màu đen nhìn hơi lạ lạ. Mới đầu không quen nhưng ăn vào thì mê ra phết. Ăn gà tần tốt cho sức khỏe, bồi bổ cơ thể. Ghé Hà Nội chơi, nhớ làm một bát mì gà tần cho dai sức đi bộ ngắm phố phường nha.
Địa chỉ tham khảo: 4 Hàng Bút; Ngã tư hàng Bồ - giờ là 49 Hàng Bồ;...
Cháo sườn
Ảnh minh họa |
Cháo sườn sinh ra là để dành cho những chiều đông Hà Nội. Khi cơn đói đến tìm chiếc bụng đã tiêu hóa hết thức ăn bữa trưa, người ta liền nghĩ ngay đến cháo sườn. Ban đầu, nhiều người gọi cháo sườn Hà Nội là "bột trẻ em" vì nó được nấu từ bột gạo chứ không phải hạt gạo ninh kỹ như ở quê nhà. Nhưng ăn quen thì lại thấy thèm cái thứ cháo - bột ngày thế cơ chứ. Cháo nấu cùng với nước ninh sườn nên ngọt. Xúc miếng cháo lên dẻo, thơm thơm. Sườn tan ra, mềm, lẫn trong cháo. Ăn đến đâu ấm bụng đến đó.
Ở Hà Nội, cháo sườn sẽ ăn cùng với quẩy, với một chút ruốc thịt tự làm. Chiều lại làm bát cháo nhẹ nhàng là cái bụng êm lại ngay. Ăn cháo không bị no, vừa với một bữa xế lỡ cỡ đợi cơm tối ở nhà.
Địa chỉ tham khảo: 37 Lương Sử C; 43 Ngõ Huyện; Ngõ 17 Tạ Quang Bửu; 14 Đồng Xuân - Cháo sườn sụn Huyền Anh;.....
Chè sắn
Ảnh minh họa |
Người Hà Nội chẳng có gì lạ lẫm với món chè sắn cho những ngày đông. Ấy là món quà vặt giản dị đậm chất Hà thành đi qua bao thế hệ. Rất nhiều tuổi thơ Hà Nội đã lớn lên cùng với món chè giản dị này. Mùa đông, được cẩm một bát chè sắn ấm nóng trên tay. Hít một hơi thơm thơm, nước chè sánh sánh, nâu vàng. Miếng sắn được cắt vuông vức hình bao diêm, vừa phải. Sắn được chế biến dẻo dẻo không quá bở. Khi ăn thì cho thêm một chút nước cốt cùng dừa nạo để giúp tăng thêm hương thơm và vị ngậy.
Chè sắn ăn ngon nhất là lúc vừa múc ra khỏi nồi, thật nóng. Ăn chè sắn mùa đông phải ăn lẹ một chút, để nguội sẽ mất đi phần nào hương vị thơm ngon.
Địa chỉ tham khảo: 146 Quán Thánh - Chè bà Thơm; 1 Bát Đàn - Xôi chè bà Thìn;....
Bún ốc
Ảnh minh họa |
Bún ốc của Hà Nội không phong phú như bún ốc của nhiều nơi khác. Có những hàng chỉ đơn giản là ốc (to hoặc nhỏ), thêm ít cà chua, rau thơm, hành lá. Đa dạng hơn thì thêm một ít sườn, chút giò hoặc vài ba miếng đậu. Nước dùng được làm nên từ chính nước luộc ốc nên vị khá là thanh. Điều đặc biệt và kì lạ là bún ốc của nhiều quán ở Hà Nội vị khá là "mạnh". Theo kiểu nhiều chua và hơi mặn một chút. Bún ốc cũng giống như ốc luộc, mùa này ăn ốc không được béo cho lắm. Tuy nhiên người Hà Nội biết lựa ốc vẫn chọn được ốc ngon và làm nên thứ nước dùng đặc trưng, thơm ngọt.
Có một biến tấu của bún ốc truyền thống đó là bún ốc chuối đậu. Ăn cũng khá là hợp với mùa đông thèm hơi ấm nóng như thế này.
Địa chỉ tham khảo: 26 Đặng Dung - Bún ốc cô Huê; 6 Hàng Chai - Bún ốc cô Thêm; 199 Khương Thượng - Bún ốc bà Lương; 57A Hai Bà Trưng;....