Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Sự khác biệt đó đến từ cách chế biến món ăn, cách nêm nếm gia vị, đến từ nguyên liệu chế biến,… Tất cả tạo nên nét văn hóa ẩm thực rất riêng biệt nhưng vô cùng độc đáo, đặc biệt là ẩm thực đường phố của ba miền.
Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Ảnh: yeuamthuc
Ẩm thực đường phố miền Bắc – Tinh tế trong từng hương vị
Đa số các món ăn của người miền Bắc đều là những món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng, không nồng gắt, không quá cay và thường đề cao độ tươi ngon tự nhiên của từng thực phẩm. Các loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn miền Bắc là chanh, dấm, sấu, tiêu, ớt, gừng, hành, tỏi, nước mắm, mắm tôm,...
Ẩm thực đường phố miền Bắc – Tinh tế trong từng hương vị. Ảnh: fsfamily
Các món ăn đặc trưng của miền Bắc có thể kể đến như phở Hà Nội, chả giò, miến xào cua bề, bánh tôm, bún ốc,…hay những món quà bánh không phải để ăn no nhưng nó lại đem lại cho người ta nhiều háo hức và cảm xúc đặc biệt như: mứt sấu, bánh cốm, bánh đậu xanh,…
Các món ăn đặc trưng của miền Bắc có thể kể đến như phở Hà Nội, chả giò, miến xào cua bề, bánh tôm, bún ốc,… Ảnh: 3a_ninheating
Phở Hà Nội
Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội. Không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.Từ những năm 1930, phở đã trở thành món ăn quen thuộc của trong cuộc sống của người dân đất kinh kỳ. Trên những con phố cổ nhỏ hẹp của Hà Nội xưa đến nay, không khó để bắt gặp những gánh phở rong từ tờ mờ sáng tới tận khuya, thơm mùi đặc trưng của vị phở truyền thống.
Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội. Ảnh: myhanoii
Trải qua cả thế kỷ, món ăn lâu đời này vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ người Hà Nội. Phở trở thành thứ đặc sản không chỉ của thủ đô mà là thương hiệu ẩm thực vang danh đất Việt.
Phở trở thành thứ đặc sản không chỉ của thủ đô mà là thương hiệu ẩm thực vang danh đất Việt. Ảnh: lancungsunsunn
Phở cuốn thịt bò
Nói đến ẩm thực Hà Nội không thể không nhắc đến Phở Cuốn - một trong những khúc biến tấu độc đáo của phở bò. Phở cuốn thu hút ở sự thanh mát và đậm đà của nước chấm.
Nói đến ẩm thực Hà Nội không thể không nhắc đến Phở Cuốn. Ảnh: cookingwithmamamui
Phở cuốn không quá cầu kỳ trong cách chế biến, bạn có thể hoàn toàn làm tại nhà. Để làm một đĩa phở cuốn ngon cần có bánh phở, thịt bò, rau thơm quen thuộc như xà lách, rau mùi, rau húng…tất cả cuộn tròn lại trong bánh phở rồi chấm cùng thứ nước chấm chua ngọt được nêm nếm vừa miệng. Tất cả nguyên liệu hòa quyện tạo nên thứ hương vị độc đáo, ăn hoài không chán.
Bún đậu mắm tôm
Món bún đặc sản đường phố miền Bắc tiếp theo mà bạn không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm thủ đô đó chính là bún đậu mắm tôm. Đây là món ăn quen thuộc của người dân Hà Thành nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng từ những nhà hàng sang trọng cho tới quán ăn vỉa hè, ngõ ngách ở thủ đô.
Món bún đặc sản đường phố miền Bắc tiếp theo mà bạn không nên bỏ qua chính là bún đậu mắm tôm. Ảnh: jamja
Phần quan trọng nhất của món này chính là mắm tôm. Một bát mắm tôm ngon phải được làm từ mắm tôm Thanh Hóa và rưới chút dầu rán, lát chanh mỏng và dĩ nhiên là có cả ớt.
Khi ăn bún đậu mắm tôm người ta sẽ cho thêm rau kinh giới, tía tô lên trên để ăn không bị ngán. Nếu muốn bạn có thể gọi thêm chả cốm, thịt chân giò, dồi rán,… ăn kèm hoặc kết hợp tất cả với nhau để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Nem cua bể
Đây cũng là món ăn ngon nổi tiếng bậc nhất ở thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng. Để làm được những chiếc nem cua bể ngon và hấp dẫn, vuông vức người đầu bếp phải khéo léo kết hợp các nguyên liệu cơ bản như nem cua bể, miến, thịt xay, giá đỗ, cà rốt, hành tây, trứng… quan trọng nhất vẫn là những con cua bể đặc thịt, tươi nguyên và còn có gạch thì càng tuyệt.
Đây cũng là món ăn ngon nổi tiếng bậc nhất ở thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng. Ảnh: cooky
Bên cạnh đó, không thể thiếu chén nước chấm được làm từ nước mắm Cát Hải pha với đường, chanh, tỏi, ớt cho đủ vị mặn, chua, cay, ngọt vừa ý. Bạn có thể ăn nem không hoặc ăn kèm nem cua bể với bún, cơm trắng đều rất ngon.
Cốm làng Vòng
Có lẽ những ai yêu mến Hà Nội chắc không thể làm ngơ với món đặc sản nổi tiếng cốm làng Vòng. Từ bao đời qua, những hạt cốm thơmxanh non vẫn được bàn tay những con người bình dị của Hà Nội nâng niu, trân trọng gói trong những lá sen đượm hương ngan ngát. Vì thế cốm làng Vòng đã trở thành món quà đặc trưng mà người Hà Nội rất hãnh diện và tâm đắc.
Có lẽ những ai yêu mến Hà Nội chắc không thể làm ngơ với món đặc sản nổi tiếng cốm làng Vòng. Ảnh: zing
Để thưởng thức đúng điệu, cốm thường được ăn với chuối tiêu. Quả chuối được bẻ đôi hoặc cắt thành từng đoạn ngắn, chấm miếng chuối vào cốm rồi cho vào miệng nhai thật chậm. Lúc ấy ta mới thấy được cái vị ngọt thơm nồng của chuối hòa quyện vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen.
Khi thưởng thức những món ăn đường phố ở Bắc Bộ, có lẽ có người sẽ thấy cay sống mũi vì những kỷ niệm bất giác ùa về. Ảnh: corymay81
Những thức quà xứ Bắc không hẳn là những món ăn để no mà còn chứa đựng những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của mỗi người con xứ Bắc. Và khi thưởng thức những món ăn đường phố ở Bắc Bộ, có lẽ có người sẽ thấy cay sống mũi vì những kỷ niệm bất giác ùa về.
Ẩm thực đường phố miền Trung – Đậm đà, cay nồng khó quên
Mảnh đất miền Trung cằn cỗi, nắng gắt, và thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lụt. Nhưng chính sự ngược đãi của thiên nhiên mà người dân vùng đất này luôn biết trân trọng những sản vật đã có để chế biến thành những món ăn mang hương vị đặc biệt.
Không đa dạng như ẩm thực miền Bắc, không đặc biệt như ẩm thực miền Nam, mà ẩm thực đường phố miền Trung lại đậm đà, mang hương vị cay nồng đặc trưng.
Ẩm thực đường phố miền Trung – Đậm đà, cay nồng khó quên. Ảnh: torispace_
Những món ăn đường phố đặc trưng của miền đất này có thể kể đến như bánh bột lọc, bún bò Huế, bún thịt nướng nem lụi, bánh căn… Tuy nhiên, món ăn miền Trung nói chung đều được chăm chút kỹ lưỡng về hình thức lẫn nội dung để đảm bảo cho ra được một món ăn hoàn hảo nhất.
Món ăn miền Trung nói chung đều được chăm chút kỹ lưỡng về hình thức lẫn nội dung. Ảnh: nhu.nguyen__
Bánh bột lọc Huế
Bánh bột lọc xứ Huế giản dị, bình dân nhưng lại có khả năng chinh phục tình cảm ngay cả với những vị khách khó tính nhất. Với người dân xứ Huế thì bánh bột lọc đơn thuần chỉ là một thức quà ăn vặt quen thuộc. Thế nhưng, trong mắt các du khách phương xa thì đây quả thực là một món đặc sản khiến họ thích mê và nhớ mãi hương vị.
Bánh bột lọc xứ Huế giản dị, bình dân. Ảnh: twitter
Tuy được làm bằng những nguyên liệu đơn giản nhưng không vì thế mà bánh trở nên kém hấp dẫn trong mắt thực khách. Bởi món bánh này được chế biến theo cách riêng cùng với sự khéo léo của bàn tay những người phụ nữ khiến cho món bánh đã trở thành một cái tên tồn tại song song với những thương hiệu đặc trưng khác.
Bánh bèo
Bánh bèo là món ăn đã xuất hiện từ rất lâu ở hầu khắp các tỉnh miền Trung mà ở mỗi nơi lại có một chút biến tấu khác nhau khiến cho món ăn này trở nên đa dạng hơn. Bánh vẫn được làm từ bột gạo xay mịn, ngâm nước cho có độ dẻo, rồi đem múc vào từng cái chén con con và đem hấp chín.
Bánh bèo là món ăn đã xuất hiện từ rất lâu ở hầu khắp các tỉnh miền Trung. Ảnh: pinterest
GỢI Ý TOUR DU LỊCH MIỀN TRUNG KHUYẾN MÃI |
Nhưng khi mang ra ăn thì lại được thêm những loại gia vị khác nhau. Nếu như ở Huế thì ăn cùng với nhụy tôm, tóp mỡ, hành lá và chan một ít dầu lên trên để tăng vị béo ngậy. Nước mắm ăn cùng với bánh bèo được pha với đầy đủ các loại như mỡ, đường, tỏi, ớt, được nấu từ tôm tươi.
Mỗi nơi lại có một chút biến tấu khác nhau khiến cho món ăn này trở nên đa dạng hơn. Ảnh: flickr
Còn với bánh bèo Đà Nẵng thì được ăn cùng với nhân ướt được làm từ thịt nạc xay, mộc nhĩ và tôm băm nhuyễn, thêm chút đậu phộng rang giã nhỏ, và chan nước mắm pha loãng ăn kèm. Hay bánh bèo Bình Định thì phần nhân sẽ được làm từ ruốc cá ngừ vị tôm, thêm chút mỡ hẹ, rắc ít đậu phộng giã nhỏ hoặc tóp mỡ giòn tan kèm chén nước mắm chan bánh bèo là phải đủ 4 vị: chua, cay, mặn, ngọt mới đúng chất của vùng đất võ.
Bánh căn
Bánh căn ở Miền Trung nhìn có vẻ giống bánh khọt ở các tỉnh phía Nam nhưng có rất nhiều điểm khác, tạo nên một hương vị khác hẳn thu hút nhiều du khách kể cả những vị khách nước ngoài. Bánh Căn cùng làm từ bột gạo rồi được đổ trong khuôn như bánh khọt nhưng khác ở chỗ là được đổ trong khuôn đất và không tráng dầu ăn vào khuôn.
Bánh căn ở Miền Trung nhìn có vẻ giống bánh khọt ở các tỉnh phía Nam nhưng có rất nhiều điểm khác. Ảnh: vietfoodguide
Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước rồi đem xay thành bột loãng giống như bột đổ bánh bèo hay bánh xèo. Bánh phải ăn ngay lúc còn nóng và kèm chén nước chấm hợp vị thì mới ngon đúng điệu.
Khi xưa thì món này rất hấp dẫn và lôi cuốn đối với những người dân xứ biển Miền Trung và khi lúc vào trời đang mưa mà ngồi nhâm nhi 1 bát bánh căn với xoài bằm cùng với nước mắm "giã" thì quả là ngon tuyệt.
Bún bò Huế
Giống như món Mì Quảng Đà Nẵng, Cao Lầu Hội An, bún Bò Huế cũng là một trong những món ăn làm nên nét ẩm thực đặc trưng của cả một xứ sở. Tô bún bò Huế trông có vẻ đạm bạc nhưng lại rất thanh lịch với nước bún trong, để lộ những sợi bún trắng nằm xếp lớp bên những lát ớt đỏ hồng, chẳng khác gì người đất cố đô dù nghèo nhưng vẫn sang, vui rộn rã nhưng vẫn man mác buồn.
Giống như món Mì Quảng Đà Nẵng, Cao Lầu Hội An, bún Bò Huế cũng là một trong những món ăn làm nên nét ẩm thực đặc trưng. Ảnh: bayareafoodies
So với phở và hủ tiếu, với người Việt món bún phổ biến và có nhiều món hơn. Miền Bắc có bún thang, bún riêu, bún ốc, bún mọc... Miền Nam có bún mắm, bún nước lèo... Miền Trung lại có bún mắm nêm, bún dấm ruốc, bún chả tôm, bún thịt nướng, bún bò giò heo; trong đóbún bò Huế, được ưa chuộng và phổ biến hơn cả.
Mỳ Quảng
Không khoác lên mình vẻ óng ả có phần tinh tế như phở hay bún của miền Bắc, mì Quảng miền Trung lại hấp dẫn bởi cái ngon lành của sự mộc mạc, xởi lởi đáng quý. Sợi mì to, thô nhưng đậm và ngậy béo đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì Quảng.
Mì Quảng miền Trung lại hấp dẫn bởi cái ngon lành của sự mộc mạc, xởi lởi đáng quý. Ảnh: Zing
Với người dân Đà Nẵng, mì Quảng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, chỉ cần làm một tô mì Quảng là đã thấy chắc bụng, ăn hoài nhưng không bao giờ ngán. Vậy nên người phương xa đến mảnh đất này mà không đi ăn tô mì Quảng cũng là điều vô cùng đáng tiếc.
Các món chè
Khi du lịch Huế, Đà Nẵng hay Quảng Nam, Quảng Ngãi,…, chắc chắn, các du khách sẽ không thể bỏ lỡ những món bánh hoặc các món chè. Nhắc đến món chè, nơi đây là cái nôi của các loại chè nổi tiếng như chè sen, chè Long Nhãn,…, mỗi loại chè đều có hương vị riêng biệt nhưng đều rất thanh mát chứ không mang vị ngọt đậm đà như những món chè của miền nam.
Khi du lịch đến miền trung đừng bỏ lỡ những món bánh hoặc các món chè. Ảnh: cookpad
Ẩm thực miền Nam – Phồn thực nhưng dân dã
Nếu như, ẩm thực Bắc Bộ là sự chuẩn mực trong việc lựa chọn nguyên liệu và cách thưởng thức, ẩm thực miền Trung được nhắc đến với sự khéo léo, tỉ mỉ trong bày biện, ẩm thực miền Nam lại ấn tượng bởi sự sự đơn giản, mộc mạc, hoang dã nhưng không kém phần phong phú.
Ẩm thực miền Nam – Phồn thực nhưng dân dã. Ảnh: chudu24
Ẩm thực miền Nam có thiên hướng hảo vị chua ngọt, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường cho thêm đường và hay sử dụng sữa dừa. Và đặc biệt, nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía... được nhiều người yêu thích.
Lẩu mắm
Một trong những món ăn thể hiện được rõ nét văn hóa ẩm thực Nam Bộ là món lẩu mắm miền Tây với sự khác biệt từ chính màu nâu đặc trưng của mắm, nước sánh nhờ sự kết hợp tỏi ớt được băm nhuyễn.
Một trong những món ăn thể hiện được rõ nét văn hóa ẩm thực Nam Bộ là món lẩu mắm miền Tây. Ảnh: lamkimphung_
Đây là món ăn bắt nguồn từ Cần Thơ nhưng nguyên liệu chính là mắm cá sặc hay mắm cá linh ngon nhất của vùng Châu Đốc, thiên đường của những món mắm đồng.
Bạn có thể thoả thích kết hợp với vô số thực phẩm khác như thịt ba rọi, cá basa, cá tra, tép, tôm và những loại rau lục hay bông điên điển, bông súng, bông bí, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối,… Một nồi lẩu tuy bình dị nhưng lại chan hoà đầy đủ màu sắc thật sống động, chắc chắn sẽ khiến không ai có thể chối từ.
Lẩu mắm được xem là linh hồn của ẩm thực miền Nam. Ảnh: homnay_tuiangi_
Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn dân dã có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Gốc tích của bánh xèo xuất hiện đầu tiên ở miền Trung vùng đất đầy nắng và gió, sau đó được lan truyền ra nhiều nơi khác trên cả nước. Ở mỗi miền bánh xèo lại được biến tấu theo nhiều cách khác nhau nhưng luôn mang hương vị đậm đà, khó cưỡng lại được.
Bánh xèo có mặt ở miền Tây đã từ rất lâu đời. Ảnh: @nomnomnation.offical
Bánh xèo miền Tây mang trong mình những nét rất riêng, cái "hồn cốt" của ẩm thực miền Tây Nam Bộ. Bánh xèo ở miền Tây có kích thước rất lớn và mỏng hơn nhiều. Đặc điểm này tượng trưng cho lối sống thoải mái, phóng khoáng đặc trưng của người dân miền Tâykhông thể lẫn vào đâu được.
Hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn tương đối xa lạ với người miền Bắc, nhưng lại quá đỗi quen thuộc đối với người miền Nam. Một bát hủ tiếu đầy đủ gồm nước dùng, tôm, thịt heo, thịt băm, sợi bánh nhỏ như sợi bún nhưng có màu đục, ăn kèm với xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi. Đây là món ăn của người Hoa du nhập vào Việt Nam và được biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Hủ tiếu là món ăn quá đỗi quen thuộc đối với người miền Nam. Ảnh: pinterest
Trải qua thời gian, ngày nay ở miền Nam tồn tại 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng là: Hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc.Trong ba thương hiệu kể trên thì hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng nhất, món ăn này có xuất xứ từ đất nước Campuchia. Khi du nhập vào Việt Nam, hủ tiếu Nam Vang đã được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người dân ở đây.
3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng là: Hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc. Ảnh: cooky
Cũng có đầy đủ các nguyên liệu quen thuộc như tôm, thịt, gan... khá giống với hủ tiếu Nam Vang nhưng hủ tiếu Sa Đéc và Mỹ Tho cũng có những nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn riêng khiến thực khách khó lòng chối từ.
Chè chuối bột báng
Miền Nam cũng rất nổi tiếng với các món chè, nhưng trong số đó phải kể đến món chè đặc trưng của Tây Nam Bộ: Chè chuối bột báng. Những nguyên liệu dùng để nấu chè rất đơn giản và dễ tìm như chuối, trái dừa, những củ khoai lang ngọt bùi hay củ mì thơm nồng.
Miền Nam cũng rất nổi tiếng với các món chè, nhưng trong số đó phải kể đến chè chuối bột báng. Ảnh: chiboo1109
Món chè này là sự kết béo ngậy của nước cốt, những sợi bột báng bột khoai dai dai với đủ màu sắc lôi cuốn, hấp dẫn và mùi thơm của chuối.Khi ăn, người miền Nam thường không ăn kèm với nước đá bởi nó sẽ làm mất đi độ ngọt đặc trưng của chuối và nước cốt dừa. Thay vào đó, bạn có thể ăn nóng lúc chè vừa chín hoặc đợi khi chè nguội và đông lại. Lúc này, vị ngọt béo của món chè càng đậm đà hơn.
Ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực đường phố ba miền nói riêng là bức tranh đầy màu sắc, nêu bật lên bản sắc riêng của từng dân tộc, vùng miền nhưng chúng vẫn mang trong mình cốt cách, linh hồn Việt không thể xóa nhòa.