Cùng với việc ra mắt băng cối Lênh đênh nhớ phố - Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn là triển lãm 25 bức ảnh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của 3 nhà nhiếp ảnh: Hà Tường, Nguyễn Đình Toán và Dương Minh Long.
Sự kiện được tổ chức giữa những ngày thu đẹp nhất của Hà Nội này như một sự tưởng nhớ ấm cúng và xinh xắn của những nghệ sĩ Hà Thành dành cho người nhạc sĩ tài hoa nhân kỷ niệm 5 năm tên của ông được đặt cho một con phố đẹp ven hồ Tây, Hà Nội.
Rất nhiều cái lần đầu tiên như: lần đầu tiên kể từ 1975 âm nhạc của Trịnh Công Sơn được phát hành trên định dạng băng cối, tốc độ 15 và lần đầu tiên 3 nhiếp ảnh gia của Hà Nội và Sài Gòn cùng bầy chung một triển lãm ảnh đen trắng chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Phần hình ảnh của băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế
Băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương gửi sản xuất tại Mỹ từ CD Lênh đênh nhớ phố mà ca sĩ Giang Trang đã phát hành 8 năm trước.
Năm 2019, ông Cương cũng "tái sinh" Lênh đênh nhớ phố dưới dạng đĩa nhựa (Vinyl).
Ông Cương cho biết, bản thân mình cũng là một người mê âm nhạc "không phải số" - đĩa than, băng cối. Ông là thành viên trong câu lạc bộ chơi âm thanh cao cấp mà theo ông ở Việt Nam hiện có hàng chục câu lạc bộ như vậy, với số lượng thành viên lên tới hàng nghìn người và ngày càng phát triển.
Vì vậy, ông làm đĩa than năm ngoái và băng cối năm nay từ CD Lênh đênh nhớ phố của Giang Trang chính là để thỏa mãn thú thưởng nhạc của mình và để phục vụ cho cộng động chơi âm thanh cao cấp.
Đĩa than năm ngoái phát hành 500 bản và đã có lãi, nên lần làm băng cối năm nay ông chỉ làm số lượng rất giới hạn, chỉ 50 băng, để "chơi là chính".
Lần này, vì muốn làm đúng dạng tốc độ chuẩn 15 nên phải cắt đi hai bài cuối trong CD Lênh đênh nhớ phố của Giang Trang.
Chọn Lênh đênh nhớ phố của Giang Trang để làm đĩa than và băng cối, họa sĩ Lê Thiết Cương nói lý do là bởi Giang Trang cũng giống như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở cái chất rong chơi trong cuộc đời, nên hát được cái tinh thần rong chơi của nhạc Trịnh.
Thêm nữa, CD của Giang Trang đã được làm với chất lượng rất tốt, mới đáp ứng được điều kiện kỹ thuật để làm đĩa than và băng cối.
Phần hình ảnh của băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế, nhiếp ảnh NHAT LE thực hiện. Túi đựng băng cối được may từ vải lanh, dệt thủ công, chưa nhuộm chàm của người H’mông.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ngôi nhà của mình ở phố Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM năm 1998 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Về triển lãm ảnh Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cho biết, ông sẽ góp những bức ảnh chụp Trịnh Công Sơn cùng bạn bè ở nhà Văn Cao; hay hình ảnh thú vị nhạc sĩ họ Trịnh khoác vai ca sĩ Mỹ Linh hát bên bạn bè ở khách sạn Đồng Lợi nơi ông luôn ở khi ghé thăm Hà Nội, cũng là nơi ông đã sáng tác ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội; hình ảnh Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Nối vòng tay lớn ở Cung Hữu nghị Việt Xô năm 1995.
Và có cả những bức ảnh Trịnh Công Sơn tại chính ngôi nhà của ông ở đường Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, khi Nguyễn Đình Toán ghé thăm nhạc sĩ, cùng uống rượu, chụp ảnh ngay trước giờ ra sân bay về lại Hà Nội năm 1998.
Khác Nguyễn Đình Toán và Hà Tường là những người Hà Nội chụp Trịnh Công Sơn, ông Dương Minh Long là người có tới 20kg phim chụp nhạc sĩ họ Trịnh trong 5 năm ông làm hàng xóm của nhạc sĩ ở TP.HCM, từ 1990-1995. Vì vậy, những bức ảnh Trịnh Công Sơn của ông cũng rất khác.
Triển lãm ảnh kéo dài tới 25-10.
Một số hình ảnh Trịnh Công Sơn sẽ được giới thiệu tại triển lãm:
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên bạn bè Hà Nội -
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khoác vai ca sĩ Mỹ Linh trong khi cô đang hát trong cuộc rượu của Trịnh Công Sơn và bạn bè ở khách sạn Đồng Lợi năm 1995 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Trịnh Công Sơn và bạn bè ở nhà nhạc sĩ Văn Cao năm 1995 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN