Đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan trao tặng thiết bị y tế cho một bệnh viện của Ba Lan. (Ảnh NVCC)
Tuần nào cũng vậy, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch hội người Việt Nam tại Ba Lan – Trưởng Ban hỗ trợ dịch cúm Covid-19 đã đi đến những nơi có người Việt sinh sống và làm ăn, để trấn an tinh thần, động viên bà con bình tĩnh không hoang mang sợ hãi, có ý thức trách nhiệm giữ an toàn cá nhân, đồng thời tôn trọng và thực hiện quy định luật pháp của nhà nước Ba Lan.
Bà Tống Thu Hương chủ tịch quỹ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Ba Lan cho biết, với sự chung tay của cộng đồng, hiện quỹ đã quyên góp được số tiền lớn mua được 4100 bộ kit thử virus SARS-CoV-2, số tiền còn lại mua nhu yếu phẩm trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ giúp đỡ người Việt Nam xa xứ vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng thể hiện trách nhiệm với đất nước sở tại. Cụ thể, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Ba Lan đã kêu gọi toàn thể bà con cộng đồng chung tay đóng góp được gần 20.000 khẩu trang vải 2 lớp; 11.000 găng tay y tế và 100 chai nước cồn rửa tay diệt khuẩn trao tặng cho các bệnh viện tuyến đầu trên toàn Ba Lan.
Bà P. Patrycja, bác sĩ tại bệnh viện Szpital Banacha cảm kích trước hành động của nhóm những người Việt tại Ba Lan,“dù khẩu trang tự may chưa hẳn là khẩu trang chuyên dụng để chống virus SARS-CoV-2, nhưng cũng đủ tự bảo vệ, ngăn ngừa giọt bắn, hạn chế lây lan”, bà P. Patrycja cho biết.
Cũng giống như cộng đồng người Việt ở Ba Lan, người Việt tại Đức (CHLB Đức) cũng nỗ lực không ngừng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong những ngày qua họ đã huy động được hàng ngàn khẩu trang y tế, khẩu trang vải tự may, găng tay bảo hộ y tế. Các trang bị y tế đã được tặng cho hơn 20 cơ sở tại Berlin, bao gồm các bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm y tế. Ngay cả các nhà hàng Việt cũng thể hiện sự đoàn kết: hàng ngàn suất ăn được phát tặng cho các bác sĩ và y tá điều dưỡng tại các trung tâm trực khẩn cấp tại các bệnh viện. Cộng đồng người Việt tại các tỉnh như Dresden, Rostock và Cottbus cũng bắt đầu thực hiện các chiến dịch tương tự.
Hàng ngàn khẩu trang vải tự may, găng tay bảo hộ đã được chuyển đến tay các bác sĩ, điều dưỡng và người dân tại CHLB Đức. (Ảnh NVCC)
Hàng ngàn suất ăn được phát tặng cho các bác sĩ và y tá điều dưỡng tại các trung tâm trực khẩn cấp tại các bệnh viện. (Ảnh NVCC)
Chị Đỗ Thu Hà phụ trách chính nhóm “Chung tay”, một trong những nhóm thiện nguyện của cộng đồng người Việt ở CHLB Đức chia sẻ, hiện khẩu trang ở bên này đang rất khan hiếm, bà con, anh chị em những người không quản ngày đêm vẫn cần mẫn ngồi bên máy khâu tự tay làm ra hàng trăm, hàng ngàn chiếc khẩu trang ủng hộ ngành y tế và người dân chống dịch. Không chỉ trao tặng khẩu trang tự may, nhóm “Chung tay”, còn quyên tặng những khẩu trang y tế mà họ tích cóp được từ trước khi dịch bùng phát.
“Việc làm của các anh, các chị - trong đó có những anh, những chị tuổi đã cao, sức đã yếu ngay từ đầu đại dịch Covid-19 - tuy thầm lặng nhưng hiệu quả và ý nghĩa lại cực kỳ to lớn, đã khiến cho truyền thông Đức thực sự ấn tượng và biết ơn với lòng quyết tâm chống đại dịch Covid-19 của cộng đồng người Việt Nam, điều đó cho thấy sức mạnh của tình hữu nghị Việt- Đức trong những thời kỳ khó khăn.”, chị Hà nhấn mạnh
Còn rất nhiều những tổ chức, nhóm thiện nguyện của cộng đồng người Việt tại những quốc gia như Anh, Pháp, Italia… đang nỗ lực hàng ngày cùng chính quyền và người dân sở tại vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Có thể nói, những vị đại sứ không danh thiếp như anh Tuấn, chị Hương, chị Hà… cùng những người thầm lặng khác đã giúp cộng đồng Việt Nam trong mắt người nước ngoài mang một hình ảnh khác, hình ảnh của những con người hào hiệp, có trách nhiệm cùng gánh vác, chia sẻ khó khăn với cộng đồng quốc tế.
Những hành động đó thể hiện truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, nhân nghĩa và tinh thần vượt khó của dân tộc Việt Nam.
Theo LĐTĐ