Tranh dân gian Hàng Trống từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của người Kinh Kỳ - Kẻ Chợ. Đây là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, phổ biến nhất ở Việt Nam.
Đề tài của tranh dân gian Hàng Trống đa dạng: Tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… với những bức nổi tiếng như: Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Ngũ hổ, Tố nữ; bộ tranh truyện: Hoa Tiêu, Kiều…; bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông; các tranh thờ: Tam tòa Thánh Mẫu, Phật, Tứ phủ, Ngọc hoàng…
Trải qua thời gian, đến nay dòng tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ lửa nghề. Đó là điều thật sự đáng mừng nhưng đồng thời là tín hiệu cảnh báo trước câu chuyện “thất truyền” như đã từng xảy ra ở nhiều dòng tranh dân gian khác, hoặc các nghề truyền thống khác.
Cuốn “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” được thực hiện công phu, gồm 340 trang với gần 400 bức tranh, ảnh, trong đó có nhiều tranh, ảnh tư liệu quý được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau mô tả chi tiết các bước làm tranh, chân dung các nghệ nhân, họa sĩ tiêu biểu của tranh Hàng Trống và hàng trăm bức tranh Hàng Trống được chụp trực tiếp từ các bộ sưu tập tranh của chính tác giả hoặc của các nhà sưu tập khác.
Sách gồm 5 chương: Lịch sử tranh dân gian Hàng Trống, nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống, kỹ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống, phân loại tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đương đại.
Để viết cuốn sách này, tác giả đã trực tiếp đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên và con trai ông là anh Lê Hoàn để ghi chép nhiều câu chuyện. Những chia sẻ thẳng thắn, chân tình của các nghệ nhân đã giúp cho cuốn sách có nhiều tư liệu bổ ích.
Đây là công trình được xuất bản tiếp nối cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” và “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” trong dự án khôi phục dòng tranh dân gian của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa. Là Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội, mang trong mình tình yêu với các dòng tranh dân gian và nỗi lo về sự mai một, thất truyền, chị cùng cộng sự tìm hiểu, nghiên cứu về các dòng tranh để công bố đến đại chúng. Cả ba cuốn này đều do chị tự túc kinh phí, từ đi thực tế, gặp gỡ nghệ nhân, đến nhờ người chụp ảnh, thiết kế, in ấn… Hai cuốn sách về tranh Kim Hoàng và Đông Hồ vừa được trao giải B Giải Sách quốc gia 2020 lần thứ ba.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Bằng việc xuất bản cuốn sách này, chúng tôi mong muốn bắc thêm một một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại, để lan tỏa, đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống đang tiềm ẩn, khuất lấp đâu đó trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Và hơn thế, mong có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ những cơ quan văn hóa của Thủ đô, để một ngày không xa, có thể gặp những quầy tranh, hiệu tranh dân gian Hàng Trống trên chính con phố Hàng Trống thân yêu, như đã từng…”.