Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Trưởng Ban Biên tập Diễn đàn Đời sống và Phát triển
TẠI SAO HOA LAN ĐỘT BIẾN ĐẮT HƠN VÀNG?
PV: Dưới góc độ một chuyên gia nhiều năm theo dõi lĩnh vực Sinh Vật Cảnh, ông có thể lý giải tại sao hoa lan đột biến lại có giá cao hơn nhiều các loại hoa lan thông thường?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân của sự đột biến gen ở hoa lan cũng giống như các loại thực vật khác là những biến đổi trong cấu trúc của gen xảy ra ở cấp độ phân tử tại một điểm nào đó trên phân tử ADN và có liên quan đến sự thay đổi về số lượng, thành phần, trật tự các cặp nucleotide trong gen. Có rất nhiều kiểu biến đổi về cấu trúc gen, trong đó những biến đổi liên quan đến 1 cặp nucleotit trong gen được gọi là đột biến điểm. Trong tự nhiên, tất cả các gen đều có thể bị đột biến không riêng gì hoa lan nhưng với tần số rất thấp (1/1000000-1/10000).
Tuy nhiên tần số đột biến có thể thay đổi tùy thuộc vào các tác nhân gây đột biến. Tác nhân gây đột biến có thể là các chất hóa học (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,...), các tác nhân vật lý như tia phóng xạ (Tia X, Tia α, Tia β...) hoặc các tác nhân sinh học như virus có trong cơ thể hoặc môi trường bên ngoài cơ thể. Đột biến gen có thể xảy ra ở tế bào sinh dưỡng và tế bào sinh dục. Đột biến là quá trình xảy ra đột ngột, riêng rẽ, ngẫu nhiên, không định hướng ở cơ thể sống trong điều kiện tự nhiên nên đa số là đột biến gen là đột biến lặn và có hại, một số ít có lợi và có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống. Vì vậy, một giống hoa lan đột biến có được màu sắc đẹp, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm quến rũ...thực sự là một báu vật trời cho. Đây là nguyên nhân chính làm cho những giống này trở nên quý hiếm và hấp dẫn người chơi lan. Một khi có nhiều người có nhu cầu sở hữu, trong khi nguồn cung khan hiếm thì giá chuyển nhượng của những sản phẩm hoa lan đột biến sẽ trở nên rất đắt đỏ theo quy luật cung cầu.
Một loại hoa lan đột biến gene đang được nhiều người săn lùng
PV: Ngoài yếu tố cung cầu khiến giá các loại hoa lan đột biến đắt hơn vàng thì còn có những nguyên nhân nào khác không thưa ông?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Hoa lan đột biến cũng là một loại hàng hóa nên giá cả của nó ngoài bị chi phối bởi quy luật cung cầu thì còn bị chi phối bởi những yếu tố khác như: Giá trị của hàng hóa, bao hàm cả niềm tin về sự dịch chuyển của giá trị của nó trong tương lai; Giá trị của đồng tiền, bao hàm cả vật trung gian sử dụng trong trao đổi hàng hòa; Tác động của quan hệ cạnh tranh, tâm lý đầu tư...
Đối với một số hàng hóa đặc thù có tính chất đơn nhất độc quyền như cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm Sinh Vật Cảnh độc đáo...thì giá trị của nó nhiều khi còn phụ thuộc nhu cầu, sở thích và điều kiện cụ thể của người mong muốn sở hữu hàng hóa đặc thù đó. Vì dụ một chiếc xe đạp cũ nếu bán ở hiệu đồng nát sẽ có giá khác, bán ở tiệm cầm đồ sẽ có giá khác và bán cho đúng người đang có nhu cầu tìm kiếm sưu tập xe cổ đúng loại và người đó có điều kiện thực hiện chi trả cho nhu cầu đó thì giá của nó sẽ cao hơn hẳn.
Riêng đối với hoa lan đột biến, đặc biệt là dòng Phi điệp, ngoài những yếu tố trên còn có một yếu tố mang tính "thời điểm vàng". Đó là vào khoảng tháng 5,6,7, thời điểm hoa nở, người mua dễ dàng xác định được độ chắc chắn đột biến của cây lan, không sợ mua nhầm. Cũng vào thời điểm này, Key lan (mầm nhánh, mầm gốc) lớn rất nhanh. Nếu với người chăm sóc tốt, có thể chỉ cần qua một ngày độ dài của Key đã tăng lên từ 0,5 đến 1cm. Vậy nên tâm lý nhiều người đổ xô đi mua lan đột biến ở thời điểm vàng tranh thủ kiếm lời khiến giá hoa lan đột biến bị đẩy lên rất cao.
Cũng có những người mong muốn sở hữu bằng được một giống lan đột biến mới xổ lần đầu chưa có tên để về đặt tên cây theo tên con cái của mình để làm kỷ niệm. Và cũng thông qua đó xây dựng thương hiệu, hình ảnh bản thân, cơ quan có liên quan thu hút sự quan tâm của công chúng thuận tiện cho hoạt động kinh doanh của họ. Đây là nhu cầu chính đáng và có thật.
CẨN TRỌNG TRƯỚC GIAO DỊCH HÀNG CHỤC TỶ TRÊN MẠNG!
PV: Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều giao dịch hoa lan đột biến gene có giá lên đến cả chục tỷ đồng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về sự minh bạch của những giao dịch này. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Với những nguyên nhân tôi đã trình bày ở trên thì thực tế giá bán của mỗi centimet thân cây hoa lan đột biến có giá giao động từ vài trăm ngàn, đến tiền triệu và cá biệt lên đến hàng chục triệu đồng. Như vậy, với một cây lan đột biến có tổng kích thước lên đến hàng mét thì giá của nó có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt cũng có giò lên đến tiền tỷ đồng.
Tôi cũng vừa chứng kiến một cuộc giao dịch hoàn đổi nhiều tài sản có giá trị hàng tỷ đồng để đổi lấy một giò lan đột biến quý hiếm lần đầu xổ với tổng chiều dài lên đến hàng mét. Được biết chủ nhân quyết định đổi nhiều tài sản khác trị giá nhiều tỷ đồng để lấy một giò lan đột biến quý hiếm nêu trên với mong muốn được đặt giống lan quý hiếm này mang tên con trai của mình. Đồng thời anh cũng kỳ vọng sở hữu nó sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.
Còn những cuộc giao dịch khác lên đến hàng chục tỷ đồng thì tôi cũng mới chỉ nghe đồn đại trên mạng xã hội cần phải kiểm chứng thêm, thì mới kết luận được đây có phải là giao dịch ảo hay không?. Và đặc biệt cần phải xem xét bản chất thực sự phía sau những giao dịch này là như thế nào? Ai bán, ai mua, độ quý hiếm của sản phẩm giao dịch, mục đích mua để sở hữu tên độc quyền hay để đầu tư...Những giao dịch thật thường diễn ra kín đáo hoặc diễn ra giữa những người am hiểu, cùng sở thích, thậm chí cùng sinh hoạt trong một CLB với nhau. Họ trao đổi các loại hoa lan đột biến quý hiếm với nhau với mục đích để cùng kết nối đam mê và duy trì sự phát triển bền vững của một nghề mà họ đã bao năm gắn bó.
Theo tôi, không chỉ có riêng hoa lan đột biến mà nhiều mặt hàng khác, mọi người cần phải cẩn trọng với những giao dịch qua mạng xã hội và cả những thông tin truyền thông đơn lẻ tự phát qua mạng xã hội. Vì ở đó những thông tin thiếu sự kiểm chứng dễ bị những nhà đầu cơ thổi phồng giá cả, làm méo mó thị trường và dẫn dắt thông tin sai lệch tới người tiêu dùng. Về lâu dài những thông tin như vậy sẽ không có lợi cho sự phát triển của ngành Sinh Vật Cảnh. Vì những thông tin như vậy làm cho chính những người có nhu cầu thật cũng trở nên hoang mang không dám tiêu thụ.
ĐẦU CƠ HOA LAN ĐỘT BIẾN BẰNG MỌI GIÁ DỄ RỦI RO?
PV: Theo ông dưới góc độ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa lan nói riêng, Sinh Vật Cảnh nói chung đã có cơ sở pháp lý nào chưa?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa lan nói riêng, Sinh Vật Cảnh nói chung đã được Chính phủ quy định là một trong 7 nhóm ngành hàng phát triển nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018. Đây là cơ sở pháp lý để điều chỉnh mọi hoạt động có liên quan, kể cả hoạt động mua bán, trao đổi.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động nuôi trồng hoa lan, cũng như Sinh Vật Cảnh hiện nay phần lớn ở quy mô gia đình nhỏ lẻ và chưa có sự phân định rõ ràng giữa hoạt động chơi và hoạt động sản xuất hàng hóa kinh doanh nên công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định thu nhập chịu thuế. Đây cũng là cơ sở dễ phát sinh các giao dịch ảo.
Vì vậy, những ai xác định mua hoa lan đột biến để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hay để thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm, sưu tầm cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng cả về kỹ thuật chăm sóc, nguồn gốc sản phẩm, lẫn giá trị thực của chúng. Với người sản xuất nuôi trồng nên đầu tư nuôi trồng đa dạng các loại lan khác nhau để phục vụ cho các phân khúc thi trường, hướng đến phục vụ đại chúng, không nên đầu tư vào một số mặt hàng hoa lan đột biến để phân tán rủi ro. Người chơi nên tìm các loại hoa lan khác nhau để chơi theo khả năng tài chính của mình, không nên quan niệm "làm chơi, ăn thật" như kiểu đánh bạc. Đặc biệt, cần phải tránh việc đầu tư, đầu cơ hoa lan đột biến khi chưa có sự hiểu biết nhất định về chúng đã vội vã mua theo tâm lý đám đông với kỳ vọng sinh lời nhanh chóng hay hoạt động kinh doanh hoa lan đột biến theo kiểu "đa cấp" trá hình sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường...?!
PV: Xin cảm ơn ông!
Thu Dung (thực hiện)