Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Doanh nghiệp bất động sản bị tác động rõ rệt
Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều khách hàng trả lại mặt bằng tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhà phố cho thuê.
Dù vậy, với thị trường bất động sản, đây có thể là khó khăn tạm thời, về lâu dài không thể kìm hãm sự phát triển của thị trường. Bởi, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường các năm 2008, 2011, sau đó đều có sự phát triển mạnh.
Hiện nay, người dân và doanh nghiệp có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả, tương tự dịch SARS năm 2002 - 2003 và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch.
Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Xem xét “cái gốc” gây ách tắc thị trường
Với những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, hy vọng những khó khăn trong ngắn hạn sẽ qua đi. Song vấn đề được xem là “cái gốc” gây ách tắc cho thị trường bất động sản, đó chính là phải khơi thông thủ tục khiến nhiều dự án bị “đứng hình”, nguồn cung sụt giảm mạnh thời gian qua.
Hiện nay, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại TP.HCM lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng? Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất Nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.
Tình trạng trên bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:
Hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ. Phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu "luật khung, luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật.
Công tác thực thi pháp luật còn yếu, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật. Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập.
Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.
Do vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện phải rà soát, Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, Hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hiệu quả và thực chất. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn diện và triệt để thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính phủ điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có biện pháp xóa bỏ trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản.
Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA))