Tết Nguyên đán (còn được gọi là “Tết cả” - Tết lớn nhất) diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng. Tết cũng là thời điểm mọi người xem lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hành các tập tục văn hóa tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng (ở đây, tập tục là khái niệm dùng chỉ phong tục, tập quán nói chung). Tết cũng là dịp được nhiều người mong đợi, nhất là người phải làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn viên, hội ngộ… Ðón Tết, vui Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị
nhân bản văn hóa tinh thần sâu sắc. Tuy nhiên một số năm gần đây, vào dịp Tết, lại xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại, thậm chí một số tục lệ đã bị biến dạng một cách tiêu cực, không còn giữ được ý nghĩa, giá trị tốt đẹp ban đầu. Trong số đó phải kể tới biến tướng của các tập tục như mừng tuổi, biếu quà Tết, hái lộc đầu năm, xin - cho chữ, một số trò chơi ngày Tết có yếu tố may rủi… Các biến tướng này đã trở thành một yếu tố khiến giá trị Tết cổ truyền của dân tộc phần nào bị lệch lạc, làm suy giảm sự trong sáng, ý nghĩa nhân văn của thời điểm cả dân tộc phấn khởi, hân hoan đón mừng năm mới.
Trong thực tế, hiện tượng biến quan hệ tình cảm thành một phương tiện nhằm trục lợi không có gì là mới mẻ, nhưng xem ra hành vi thiếu trong sáng này càng ngày càng có xu hướng diễn ra phổ biến, tràn lan và công khai hơn. Tiêu biểu trong số đó là tục biếu, tặng quà Tết - vốn là một truyền thống tốt đẹp, xuất phát từ tình cảm chân thành, sự biết ơn của con cái với cha mẹ, trò với thầy, anh chị em trong gia đình, giữa các thành viên trong xã hội, cộng đồng... Từ xa xưa, món quà biếu vào ngày Tết không nặng về giá trị vật chất, mà chủ yếu có ý nghĩa tinh thần, nhờ vậy người nhận và người tặng quà đều vui vẻ. Nhưng hiện nay, tục lệ tốt đẹp đó bị lạm dụng, biến tướng, trở thành một hình thức biếu xén công khai, thường là cấp dưới biếu cấp trên hoặc doanh nhân biếu người có chức quyền món quà có giá trị để đạt mục đích cá nhân... Trước tình trạng này, ngày 22-12-2017, Ban Bí thư T.Ư đã ban hành Chỉ thị 16-CT/TW, trong đó có quy định “Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức”. Ngày 28-12-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg, trong đó có nội dung: “Các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp”. Và ngày 9-1-2019, Ban Bí thư T.Ư đã có Công văn 62-CV/TW yêu cầu nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg. Ðiểm cần chú ý là các văn bản này luôn nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và yêu cầu giữ gìn kỷ luật, kỷ cương. Song ranh giới giữa món quà thuần túy chúc mừng và “món quà biến tướng” thường không dễ phân biệt. Ðây là kẽ hở để một số người lợi dụng để phục vụ cho mục đích không trong sáng. Tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm mới cũng bị vận dụng sai lệch so với ý nghĩa truyền thống tốt đẹp. Từ xa xưa, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ, con cái mừng tuổi cha mẹ, ông bà,... với ý nghĩa để cầu chúc may mắn, sức khỏe, phát đạt. Tiền mừng tuổi là tiền mới, mệnh giá nhỏ và thường là tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở ngay ngày đầu năm, đồng thời biểu trưng cho sự mới mẻ, tinh khôi, khởi đầu mới, vì thế tiền lì xì có ý nghĩa tượng trưng hơn là giá trị vật chất. Tuy nhiên, nhiều năm qua tục mừng tuổi đã dần biến tướng, thiên về giá trị vật chất. Thậm chí, nhiều khi trở thành việc “tặng” tiền giữa người lớn với nhau, trị giá tiền mừng khiến người nhận phải tự hiểu khác đi ý nghĩa của hành vi mừng tuổi. Trong một số trường hợp, lì xì còn trở thành một kiểu hối lộ công khai. Không chỉ làm biến dạng một tục lệ đẹp của cha ông, sự thực dụng này còn ảnh hưởng đến cả trẻ em, bởi thay vì vui sướng khi được mừng tuổi, không ít trẻ em có thói quen kiểm đếm giá trị của tiền ngay sau khi vừa được lì xì. Thậm chí, mừng tuổi ít hay mừng tuổi nhiều đôi khi còn trở thành cơ sở để đánh giá giá trị hoặc “đẳng cấp” giữa các gia đình, góp phần tạo nên lối sống thực dụng, khiến nhiều người coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Hệ lụy trước mắt có thể chưa thấy, nhưng về lâu dài, chính những trẻ em từng chứng kiến và bị nhiễm quan niệm thực dụng của người lớn, khi lớn lên sẽ dễ có xu hướng coi nhẹ tình cảm với cha mẹ, ông bà, trở nên ích kỷ. Chưa kể, khi việc coi đồng tiền như “thước đo” một số giá trị xã hội mà trở nên phổ biến, sẽ tạo nên những ảnh hưởng xã hội khôn lường.
Không chỉ những tập tục bị biến tướng nhằm trục lợi từ tình cảm, mà một số dạng thức khác cũng xuất hiện trong dịp Tết các năm gần đây. Ðó là sự biến tướng của một số tập tục mang mầu sắc tâm linh như đi chùa khai Xuân, hái lộc đầu năm, dâng sao giải hạn... Những tập tục này xuất phát từ mong muốn của nhiều người được ban cho tài lộc, may mắn, bình an. Song khi mong muốn vượt qua ý nghĩa lành mạnh đã làm nảy sinh các biến tướng như sắm sanh lễ vật “khủng”, dâng sao giải hạn với đồ lễ lên đến hàng trăm triệu đồng, gài tiền vào tượng thần linh, chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên người khác để cướp lộc. Ngay tập tục hái lộc đầu năm thường thực hiện vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mồng 1 Tết cũng bị xâm phạm. Ngày trước, người đi hái lộc tìm đến những nơi linh thiêng như đình, chùa, đền, phủ,... để hái một cành lộc non mang về nhà treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa đặt trên bàn thờ với mong muốn một năm sung túc, phúc lộc tràn đầy. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều người thi nhau hái lộc bằng cách bẻ cành, phá cây theo kiểu càn quét không thương tiếc. Có người còn cố bẻ cho được cành lộc thật lớn vì cho rằng cành lộc càng to thì tài lộc càng nhiều. Có người còn bẻ, chặt trộm cành cây trong vườn nhà khác mang về làm cành lộc của nhà mình. Lộc chưa thấy đâu nhưng chỉ sau ngày đầu năm mới, rất nhiều cây xanh trở nên xơ xác.
Ngay cả tập tục xin - cho chữ với ý nghĩa rất thanh tao, đầu năm tôn vinh tri thức, “tôn sư trọng đạo”, cầu mong may mắn, bình an,… cũng dần dà biến đổi, với nhiều biểu hiện không hay. Xưa, người được xin chữ thường là người không chỉ có tài viết chữ đẹp mà còn phải có đức độ, hiền hòa, học rộng, biết nhiều, được cộng đồng kính trọng. Và người xin chữ không chỉ mong xin được chữ đẹp, thể hiện đúng tâm nguyện, mà còn mong được hưởng phúc đức từ người cho chữ. Gần đây, việc xin chữ đầu năm như đã trở thành một trào lưu của nhiều người, nhất là người trong giới trẻ. Vì không hiểu ý nghĩa sâu xa của tập tục này mà chỉ đua theo trào lưu, nên nhiều người lại tranh cướp để có chữ. Một số người cho chữ lại không phải là người có học vấn uyên thâm, chỉ võ vẽ học để biết viết một số chữ phổ biến nhằm kiếm “nghề kiếm cơm” đầu năm. Những người này chỉ biết viết theo các mẫu chữ treo sẵn hoặc viết theo yêu cầu của người xin chữ. Vì thế, xin - cho chữ không còn là một nghi thức trong sáng, thiêng liêng, mà biến tướng thành một hoạt động mua - bán đơn thuần, xô bồ. Chưa kể, tình trạng một số thú chơi trong ngày Tết cũng đang bị mai một, biến dạng, như: cờ gánh, cờ người, tổ tôm, tam cúc… Vốn là thú chơi có tính giải trí khi nghỉ Tết có thời gian rỗi, hoặc tại lễ hội của làng xã, không chỉ người lớn, mà cả trẻ em cũng có thể tham gia, khi hết Tết, đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, thì thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm, tam cúc hoặc đốt luôn khi hóa vàng để trở lại công việc thường ngày. Tuy nhiên, đến nay các trò chơi đó phần lớn bị lạm dụng, biến tướng thành tệ cờ bạc, sát phạt ăn thua trong những ngày Tết, thậm chí sử dụng bạo lực nhằm phân giải. Ðáng nói là nhiều chiếu bạc hình thành trong ngày Tết kéo dài thâu đêm suốt sáng. Số tiền thua bạc cũng không ít, rồi từ tâm lý ăn thua mà nảy mối tư thù trong cộng đồng. Các trò chơi biến tướng thành nạn cờ bạc đỏ đen nay đã bị cấm, nhưng với danh nghĩa giải trí, vẫn có không ít người cố tình lạm dụng và gây những hậu quả không thể lường trước.
Khi đời sống đã biến đổi theo hướng hiện đại, phát triển, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình ngày càng khá giả, xã hội càng cần hình thành lối sống mới, văn minh và tiến bộ hơn. Ý thức văn hóa, tinh thần văn minh của các thành viên xã hội vì vậy càng cần được củng cố, nâng cao. Nhưng đáng tiếc, một bộ phận xã hội lại có xu hướng tôn thờ lối sống thực dụng, đề cao vật chất, xa rời một số giá trị văn hóa có ý nghĩa bản sắc. Thực tế, trong dòng chảy của quá khứ đến hiện tại, một số giá trị không còn phù hợp với tính chất, nhu cầu của con người và xã hội đương đại sẽ dần mai một, nhưng các giá trị mang ý nghĩa bản sắc, biểu thị cho tâm hồn, cốt cách, đạo lý dân tộc, kết tinh từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cần phải được giữ gìn, bảo tồn, phát triển để tồn tại cùng thời gian. Với ngày Tết cũng vậy, khi một năm mới đến, chúng ta cần trân trọng, thực hành các giá trị văn hóa tốt đẹp được cha ông trao truyền. Ðó chính là thực hiện một cách ý thức và nghiêm túc trong việc trao lại cho các thế hệ mai sau, để các giá trị văn hóa tốt đẹp đó ngày càng hoàn thiện, góp phần hình thành những thế hệ người Việt Nam trong hiện tại và tương lai vừa hiện đại, vừa không xa rời bản sắc văn hóa dân tộc.