Do dừng và giảm tần suất khai thác, tàu bay không làm ra tiền, nhưng các khoản chi phí vẫn phải trả, khi VNA có hơn 100 tàu bay, Vietjet trên 80 chiếc, Jetstar Pacific và Bamboo Airways mỗi hãng trên dưới 20 chiếc.
Nằm không vẫn tốn tiền tỷ
Các hãng hàng không Việt Nam tạm dừng khai thác nhiều đường bay quốc tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dừng bay, các hãng đối mặt với chi phí bãi đỗ dù không có doanh thu.
Chuyến bay quốc tế cuối cùng được Vietnam Airlines thực hiện là từ Franfurt (Đức) đến Vân Đồn, hạ cánh trong ngày 25/3. Từ ngày 25/3, Vietnam Airlines cho biết các chuyến bay quốc tế của hãng phụ thuộc sự điều động của Chính phủ.
Từ gần một tháng trước, Vietnam Airlines đã để 40% máy bay “đắp chiếu” và giảm lương từ lãnh đạo tới nhân viên. Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tại thị trường trong nước, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0.
Dừng bay, các hãng đối mặt với chi phí bãi đỗ dù không có doanh thu.
Kể từ 0h ngày 25/3, hãng này thông báo tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế trong mạng bay đến hết ngày 30/4/2020.
Theo đơn giá của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), giá dịch vụ đậu đỗ máy bay được tính theo trọng lượng. ACV đang thu mỗi máy bay 32.000 đồng/tấn/ngày, giảm giá 50% với máy bay đỗ tại sân bay căn cứ của các hãng.
Vietnam Airlines hiện có 99 máy bay trong đội bay, bao gồm nhiều dòng như Airbus A321, A350 hay Boeing 787. Với mỗi chiếc A321 của hãng, trọng lượng khô vào khoảng 50 tấn, dựa trên mức giá thuê bãi đỗ được công bố, chi phí đậu đỗ mỗi ngày ở mức 1,6 triệu đồng/ngày.
Đội bay của hãng hiện có 69 chiếc dòng A321 đang biên chế, tổng chi phí đỗ máy bay mà hãng đang phải chi trả cho số máy bay này là khoảng hơn 3,3 tỉ đồng/tháng.
Với dòng 787, trung bình trọng lượng khô của máy bay rơi vào khoảng 130 tấn. Vietnam Airlines phải chi 4,16 triệu đồng chi phi đậu đỗ mỗi chiếc máy bay dòng này cho ACV. Tương ứng, hãng sẽ cần 1,87 tỉ đồng/tháng để đậu đỗ 15 chiếc máy bay dòng này trong đội bay.
Dòng máy bay còn lại của hãng là Airbus A350 có trọng lượng khô khoảng 135 tấn. Đồng nghĩa hãng sẽ cần chi 1,81 tỉ đồng/tháng để đậu đỗ những chiếc máy bay này.
Trước đó, Jetstar Pacific cũng đã dừng hết đường bay quốc tế đến Quảng Châu, Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Thái Lan từ đầu mùa dịch. Hãng cũng chi khoảng 720 triệu đồng/tháng cho đậu đỗ máy bay.
Bamboo Airways cũng đã dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế. Ngày 25/3, hãng thực hiện thêm một chuyến charter từ Hà Nội đi Praha (CH Séc) để đưa hàng viện trợ y tế của Việt Nam đến Séc đồng thời đưa công dân châu Âu từ Việt Nam về nước. Mỗi tháng Bamboo Airways cũng tốn khoảng 1,24 tỉ đồng để đậu đỗ máy bay.
VietJet đã tạm dừng đường bay quốc tế của hãng đến các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ... Hãng sẽ thực hiện thêm các chuyến bay từ Hà Nội đến Tokyo và ngược lại trong ngày 31/3, 2/4 và 4/4. Ước tính Vietjet Air sẽ tốn khoảng 3,6 tỉ đồng mỗi tháng để đậu đỗ máy bay.
Tổng cộng, ACV sẽ thu về khoảng 12,5 tỷ đồng/tháng từ việc cho thuê chỗ đỗ máy bay tại các sân bay của doanh nghiệp. Đây là con số chưa tính giảm giá đậu đỗ tại sân bay căn cứ. Nếu một nửa số máy bay này được đậu đỗ tại các sân bay căn cứ của hãng, ACV vẫn sẽ thu khoảng 10 tỷ đồng/tháng từ hoạt động cho thuê chỗ đỗ.
Dù không có khách, các hãng vẫn phải bỏ chi phí. Trong đó, chi phí cố định lớn nhất là thuê tàu bay. Với dòng tàu bay thân rộng (A350, B787) tiền thuê và chi phí bảo dưỡng mỗi tháng khoảng 1 triệu USD/chiếc, tàu bay thân hẹp (A320, A321) khoảng 350.000 USD/tháng.
“Đa số tàu bay của các hãng hàng không là hợp đồng thuê dài hạn, nên dù không hoạt động vẫn phải trả phí thuê và sân đỗ. Các hãng có thể đàm phán dừng các hợp đồng thuê tàu bay mùa vụ, nhưng số này thường không nhiều”, một chuyên gia hàng không cho hay.
Đắt nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm chỗ đậu
Khi hàng không nhộn nhịp, các hãng bay cạnh tranh nhau trên trời thì trong thời kì dịch bệnh, cuộc cạnh tranh lại ở những vị trí để "đắp chiếu" máy bay.
Hiện sân bay lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất chỉ có 86 vị trí đỗ máy bay, trong đó có khoảng 10 vị trí mới bổ sung trước Tết Nguyên đán 2020.
Cũng từ trước Tết Nguyên đán, sân bay Nội Bài đã bố trí 74 vị trí đỗ máy bay qua đêm. Trong những ngày cao điểm (chủ nhật), số máy bay đỗ qua đêm lên tới 82 chiếc, trong đó Vietnam Airlines chiếm 25 chỗ, Vietjet Air 12 chỗ, Jetstar Pacific Airlines có 3 chỗ và Bamboo Airways có 7 chỗ.
Để giải tỏa áp lực, lãnh đạo sân bay Nội Bài cho biết đã phối hợp với Sư đoàn 371 và Công ty Kĩ thuật máy bay (VAECO) bổ sung 5 vị trí tại sân đỗ quân sự, 4 vị trí khác tại xưởng bảo trì máy bay. Trong khi đó, sân bay Đà Nẵng hiện cũng chỉ có khoảng gần 30 vị trí đỗ máy bay.
Hơn 200 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gần 200 chỗ đỗ, trong bối cảnh việc đỗ máy bay tại các sân bay địa phương không có lợi về mặt khai thác.
Theo số liệu từ Cục Hàng không, sau tháng 1 và tháng 2 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kì 2019, số chuyến bay của các hãng đã giảm mạnh trong tháng 3. Khi dịch bệnh thực sự tác động rõ rệt, số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không Việt đã giảm 25,6% so với cùng kì, mức giảm kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Tom Vincent, cựu phó chủ tịch Deutsche Bank, đã thành lập một kho lưu trữ máy bay hơn một thâp kỷ trước tại Alice Springs, Australia cho biết, điều kiện khí hậu lý tưởng để bảo quản máy bay là độ ẩm không khí phải rất thấp. Lưu trữ máy bay trong điều kiện độ ẩm cao như ở châu Á là một thách thức lớn. Tốc độ ăn mòn khung máy bay và động cơ sẽ diễn ra rất nhanh.
Trong khi đó, thách thức của các hãng hàng không là họ sẽ phải dừng bay tới bao giờ nên các kế hoạch đỗ trong bao lâu để đàm phán chỗ thuê cho phù hợp. Chính cản trở này đã khiến cho kế hoạch tìm kiếm chỗ đỗ máy bay rất phức tạp mà không ai có thể đoán trước được điều gì.