Không để tiền hỗ trợ đi “lạc đường”

14/04/2020 21:12

Mặc dù Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng hiện nay nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã chủ động rà soát 6 đối tượng thụ hưởng để khi có hướng dẫn sẽ triển khai kịp thời, đúng, đủ.

Chủ động rà soát các đối tượng

Sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, một số phòng LĐTB&XH quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã lọc ra những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết: Quận Hà Đông đã lọc ra được gần 3.400 đối tượng người có công (NCC) quận đang quản lý, gần 4.500 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), 389 hộ cận nghèo.

 Chuyển hàng hỗ trợ vào cho người dân bị cách ly tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Danh sách những đối tượng này tiếp tục được chuyển về các phường để tiếp tục rà soát, sau đó có phản hồi lại với phòng LĐTB&XH quận để lọc tiếp. Bởi thực tế có những trường hợp được hưởng vài ba chính sách. Ví dụ, với trường hợp một đối tượng NCC được hưởng 3 chính sách của gói hỗ trợ thì cho họ được hưởng chế độ cao nhất. Với đối tượng NCC, phòng sẽ tiếp tục gửi danh sách lên Sở LĐTB&XH Hà Nội để kiểm tra, rà soát lần nữa.

Đến ngày 13/4 huyện Đông Anh đã huy động xã hội hóa được hơn 3,5 tỷ đồng; ngân sách huyện, các xã và thị trấn gần 17,5 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra là rất nhiều cơ sở vật chất được các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

“Phòng LĐTB&XH Đông Anh đang thực hiện rà soát các các đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Cụ thể, toàn huyện có 3.844 NCC, 25. 40 hộ cận nghèo, 9.433 đối tượng BTXH. Những hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng BTXH thì sẽ được tách ra. Ước tính, trong 7.559 khẩu hộ cận nghèo có khoảng vài trăm đối tượng thuộc diện BTXH” – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho hay.

Hiện, nhiều quận, huyện đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ, TP Hà Nội cũng như Sở LĐTB&XH Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết 42 để có căn cứ thực hiện chuẩn chỉ việc thống kê, rà soát các đối tượng. Về việc chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng NCC, BTXH, các quận, huyện chỉ đạo phường, xã xây dựng phương án nhân lực đến trả tại nhà, để thực hiện giãn cách xã hội đề phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Những người chi trả tiền hỗ trợ dịch bệnh cho các đối tượng sẽ là cán bộ LĐTB&XH phường. “Tới đây, khi có hướng dẫn, chúng tôi sẽ làm thận trọng, chắc chắn, chặt chẽ từng bước một để đối tượng được hưởng thụ chính xác, không để xảy ra sai sót theo quy định” – bà Minh Loan khẳng định.

Thực hiện công khai, dân chủ, chính xác

Hiện nay, bản dự thảo thực hiện Nghị quyết 42 đã được gửi tới các phường để tham khảo, chủ động nghiên cứu và có tính toán các phương án thực hiện. Trong bản dự thảo này có nhóm đối tượng cụ thể nhưng có nhóm ghi chung chung, ví dụ như làm dịch vụ, thương mại. Vì thế, các quận, huyện đang chờ văn bản hướng dẫn, cũng như tính mức thu nhập hàng tháng của những đối tượng này, đánh giá điều kiện thực tế mới xác nhận được. Vì họ là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không bảo đảm mức sống.

Một vấn đề đang được nhiều người đặt ra, đó là gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng là số tiền lớn, làm sao để đồng tiền đến được đúng đối tượng, không đi “lạc đường”? Phản hồi về việc này, ông Nguyễn Đình Thanh cho biết: Sau này tất cả các quy trình thực hiện làm đều phải công khai, dân chủ. Riêng đối tượng công nhân không có hợp đồng lao động sẽ thực hiện theo bộ hồ sơ T.Ư hướng dẫn, gửi lên mới được.

Những đối tượng liên quan đến xã chi trả, thì phải thành lập hội đồng trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã sẽ làm Chủ tịch. Thành viên hội đồng là các ban ngành đoàn thể của xã, trưởng thôn tham gia xét duyệt. Từ căn cứ đơn đề nghị hỗ trợ của người dân, sẽ được tập hợp từ thôn lên xã, song có danh sách duyệt sẽ công bố công khai dân chủ.

Về gói hỗ trợ trên 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, các chuyên gia lao động, việc làm đều nhận định là rất tốt, kịp thời và có tính khả thi vì nguồn và đối tượng rất rõ. Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng: Việc triển khai là không dễ, nhất là đối với nhóm thứ 4, 5, 6. Vì thế Chính phủ nên ra ngay văn bản hướng dẫn rõ ràng; nhất là quy trình, thủ tục xác định đối tượng.

Đặc biệt, nhóm 4, 5, 6, thực hiện phê duyệt danh sách và chi trả theo nguyên tắc đúng đối tượng, đơn giản và thuận lợi cho người hưởng. Nhóm 1, 2, 3 về cơ bản nắm được đối tượng, có thể áp dụng phương pháp tự đăng ký kèm theo các giấy tờ phô tô chứng minh thư Nhân dân (hoặc căn cước công dân) và gửi qua mạng. Cơ quan địa phương có thể gặp kiểm tra và quyết định chi trả ngay theo quy định.

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Hương Giang – Nhân viên Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các cấp phường, xã cần liên hệ với tổ trưởng dân phố để có danh sách chính xác về các gia đình thuộc diện chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do.

“Theo tôi, cũng cần giúp đỡ các trường hợp người nhập cư không có hợp đồng lao động, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn hiện đang chữa bệnh rất xa nhà. Và cả những người già cô đơn hoặc trường hợp đột xuất rơi vào hoàn cảnh khó khăn do biến cố hoặc tai nạn. Tất nhiên, vì Thủ tướng đã có quy định các đối tượng, nên TP có thể dùng nguồn ngân sách khác đề chi trả cho họ”- Chị Hương Giang bày tỏ.

"Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác LĐTB&XH theo tôi, TP Hà Nội cần lập Ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội làm Phó ban trực, thành viên gồm các sở: Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội, Liên đoàn lao động TP. Ban này có đến các phường, xã và bên cạnh đó có tổ chuyên giúp việc triển khai hỗ trợ đúng đối tượng." - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng

Ngày 13/4, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho hay: Trong khi chờ có thông tư hướng dẫn Nghị quyết 42, trước mắt các phòng LĐTB&XH rà soát thống kê số liệu các đối tượng. Khi nào có hướng dẫn thực hiện thì các phòng sẽ áp các đối tượng vào.

Trong Nghị quyết đã nêu các đối tượng hỗ trợ nhưng trong dự thảo hướng dẫn chẻ ra rất nhiều. Ví dụ Nghị quyết nói hộ nghèo, hộ cận nghèo được mức tiền như thế này, nhưng trong hướng dẫn thì các nhân khẩu trong từng hộ có mức khác nhau. Tiếp đến, là lực lượng lao động cũng phải rà soát rất kỹ. Các quận, huyện, xã, phường mới nắm được rõ, cụ thể những đối tượng trên địa bàn.

Ngày 13/4, Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội phát động “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch”. Chiến dịch sẽ miễn phí tuyển dụng, miễn phí tìm việc làm với sự tham gia của 500 DN tuyển dụng lao động. Mục tiêu của chương trình là tạo việc làm cho 10.000 ứng viên. 

 Theo KTĐT

Người nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19 được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng Người nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19 được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng

Người lao động bị tạm nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được Chính phủ hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Đưa 100 tỷ đồng kinh phí nhắn tin đợt 1 vào sử dụng ủng hộ PCD Covid-19 Đưa 100 tỷ đồng kinh phí nhắn tin đợt 1 vào sử dụng ủng hộ PCD Covid-19

Chỉ trong thời gian ngắn hơn 20 ngày (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 9/4/2020), trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia đầu số 1407 đã thu hút được trên 2,2 triệu tin với số tiền...

Nguồn Link bài gốc http://m.kinhtedothi.vn/khong-de-tien-ho-tro-di-lac-duong-381106.html?fbclid=IwAR2SNPvnYxAwH5LSCiBUCq8Y97k8UI9di_3zzPCZ7INKAnLuSs5JsL6g9Pw

Bạn đang đọc bài viết "Không để tiền hỗ trợ đi “lạc đường”" tại chuyên mục Tin tức.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục