Mùa giải bóng đá nữ chuyên nghiệp Việt Nam chịu nhiều thách thức bởi dịch Covid-19 nhưng cũng đã kết thúc trọn vẹn
Đây cũng là lúc bóng đá nữ Việt Nam bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch, lực lượng để chuẩn bị cho năm 2021 bận rộn với 2 giải đấu quan trọng là AFF Cup và SEA Games 31, xa hơn nữa là Vòng loại World Cup 2023.
Vượt qua thử thách
Giống như V.League và nhiều giải thể thao khác của Việt Nam trong năm 2020, mùa giải bóng đá nữ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Điều này đã làm thay đổi lịch thi đấu của một số giải cũng như kế hoạch tập luyện, chuẩn bị của các đội bóng. Nhưng trong hoàn cảnh đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Ban tổ chức các giải đã linh động sắp xếp, điều chỉnh thời gian và lựa chọn địa điểm thi đấu phù với tình hình để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các cầu thủ, Ban huấn luyện các đội bóng và người hâm mộ.
Giải U19 quốc gia 2020 khởi tranh vào ngày 1.6 là giải đấu đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam trở lại sau đợt dịch bùng phát đầu tiên. Gần 1 tháng tranh tài sôi động tại sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội), giải đấu đã kết thúc trọn vẹn, đó cũng là dịp để HLV đội U19 Việt Nam, Philippie Troussier tìm kiếm thêm những nhân tố mới. Đến giữa và cuối tháng 7, Cúp Quốc gia cũng diễn ra thành công mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trước thềm giải VĐQG khởi tranh. Thế nhưng đến đầu tháng 8, dịch Covid-19 bùng phát lần 2 tại miền Trung đem lại lo ngại trong công tác tổ chức và thi đấu tại giải U16 quốc gia (kế hoạch ban đầu diễn ra từ ngày 1 - 31.8). Và trong tình hình đó, VFF đã quyết định dời lịch sang cuối tháng 10 và đầu tháng 11, thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát.
Tương tự, giải VĐQG cũng bị dời lịch bởi ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần 2. Lượt đi của giải ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 13.8 đến 4.9, lượt về từ 1.10 đến 22.10, sau này được điều chỉnh lại, lượt đi từ 22.9 đến 13.10, lượt về từ 20.11 đến 13.12. Để thích ứng vời tình hình, các đội thi đấu tập trung (lượt đi tại SVĐ Hà Nam và sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, lượt về tại sân Thống Nhất, TP.HCM), mỗi đội được phép thay 5 cầu thủ trong tối đa 3 lần dừng trận đấu. Nhưng thêm một lần nữa, sân chơi cao nhất của các cô gái Việt Nam lại bị thử thách bởi dịch bệnh. Thời điểm đầu tháng 12 vừa qua, một số quận tại TP.HCM (nơi diễn ra lượt về) có ca dương tính với Covid-19, điều này buộc VFF và Ban tổ chức giải phải dời điểm địa thi đấu từ TP.HCM sang Bình Dương. Thậm chí ở vòng đấu hạ màn, VFF và Ban tổ chức giải không cho khán giả vào sân, đồng thời yêu cầu Ban tổ chức sân, các đội bóng, cầu thủ phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Và sau những trở ngại, thử thách, cùng nỗ lực của các nhà tổ chức cũng như sự hợp tác của các đội bóng, giải đấu số 1 của bóng đá nữ Việt Nam đã về đích an toàn với cái kết là chức vô địch lần thứ 9 cho đội TP.HCM 1.
Hướng đến tương lai
Bóng đá nữ Việt Nam vừa có năm 2019 “đại thắng” với chức vô địch AFF Cup và “ngôi hậu” tại SEA Games 30 đã mang lại niềm tự hào cho người hâm mộ. Nhưng, thành công trên cũng mang lại nhiều áp lực cho tuyển nữ Việt Nam trong việc giữ vững thành tích. “Vô địch đã khó, bảo vệ chức vô địch càng khó hơn”, các cô gái Việt Nam biết được điều đó và chắc chắn họ sẽ có một năm 2021 nhiều thách thức. Hơn ai hết, HLV Mai Đức Chung hiểu rõ áp lực mà ông và các học trò sẽ đối diện. Kể từ vòng Play-off Olympic Tokyo 2020 vào tháng 3, tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tập trung trở lại và khi mùa giải bóng nữ quốc nội vừa kết thúc, HLV Mai Đức Chung cùng các trợ lý sẽ có những kế hoạch trong việc xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho các mục tiêu trong năm tới. Đương nhiên, thành phần chính của đội vẫn là những trụ cột đã có được thành công trong thời gian qua như: Huỳnh Như, Tuyết Dung, Hải Yến, Chương Thị Kiều… cùng những cầu thủ trẻ đã chơi tốt tại Vòng loại Olympic vừa rồi như Vạn Sự hay Tuyết Ngân bên cạnh những nhân tố khác chơi ấn tượng ở giải VĐQG vừa qua. Không những thế, bóng đá nữ Việt Nam tổ chức được các giải trẻ trong năm 2020 cũng là điều may mắn cho HLV Mai Đức Chung cùng HLV Philippie Troussier trong việc tìm kiếm lực lượng và xây dựng thế hệ trẻ tương lai để hướng đến World Cup nữ 2023.
Việc sân chơi lớn nhất bóng đá nữ 3 năm tới tại Australia và New Zealand được mở rộng từ 24 lên 32 đội đem đến cơ hội lớn cho tuyển nữ Việt Nam. Do Australia là thành viên của AFC tham dự giải với tư cách chủ nhà nên châu Á vẫn giữ nguyên 8,5 suất. Giải vô địch châu Á 2022 và cũng là Vòng loại World Cup 2023 diễn ra tại Ấn Độ sẽ có 12 đội thi đấu, chọn 8 đội đứng đầu đoạt vé trực tiếp, đội xếp thứ 9 sẽ đá play-off với đại diện khu vực khác. Tuyển Việt Nam đang đứng thứ 6 châu Á, hạng 35 thế giới, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và Triều Tiên, nếu trừ Australia thì chỉ có 4 đội được xem là mạnh hơn thầy trò HLV Mai Đức Chung tại vòng loại. Do đó, tuyển Việt Nam sẽ tranh 4,5 suất còn lại với Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa, Uzbekistan, Myanmar, Ấn Độ, Jordan hay Philippines, những đối thủ đều xếp sau Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
World Cup luôn là giấc mơ lớn của bóng đá Việt Nam nói chung và tuyển nữ quốc gia nói riêng. Tuyển nữ Việt Nam hiện nay đã vượt tầm khu vực và dần tìm được chỗ đứng tại đấu trường châu lục, minh chứng rõ nét nhất là chúng ta vừa đi đến vòng loại cuối cùng Olympic Tokyo 2020. Nhưng để hướng đến đấu trường thế giới, tuyển Việt Nam cần có kế hoạch và sự chuẩn bị dài lâu. Chúng ta may mắn nhờ kiểm soát dịch Covid-19 tốt nên đã tổ chức thành công giải VĐQG và các giải trẻ trong năm 2020, đó sẽ là bước chuẩn bị quan trọng và là hành trang để bóng đá nữ Việt Nam thực hiện hóa giấc mơ.
VĨNH HY