Nguồn gốc ngày tết Trung thu

20/09/2020 23:08

Từ lâu, Trung thu đã trở thành một trong những ngày lễ được chú ý trong năm. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng biết những truyền thuyết đầy thú vị về nguồn gốc ngày Tết trăng tròn đặc biệt này.

Có khá nhiều câu chuyện giải thích nguồn gốc ngày lễ này nhưng có lẽ phổ biến nhất là hai câu chuyện dưới đây.

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, Hậu Nghệ là một vị thần bất tử có tài bắn cung còn Hằng Nga, vợ chàng là một tiên nữ vô cùng xinh đẹp ở Thiên Đình. Cả hai sống với nhau rất hạnh phúc nhưng chỉ bởi lòng đố kỵ, ghen ghét, Hậu nghệ đã bị vu oan và sau đó bị đày làm thường dân. Những tưởng cuộc sống hai người sau bao sóng gió sẽ trở nên bình yên, hạnh phúc nhưng tai họa lại ập đến

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Lúc bấy giờ, người dân hạ giới gặp đại nạn, mười đứa con mặt trời của vua Nghiêu lộng hành, không theo phép tắc thay phiên nhau tỏa sáng cho nhân gian mà tranh giành, lấn át nhau để rồi không ai nhường ai cùng lúc xuất hiện để rồi dưới sức nóng như thiêu như đốt của mười mặt trời nhân gian như chìm trong bể lửa, mọi thứ đều bị thiêu rụi, con người than khóc ai oán.

Trước tình cảnh cấp bách đó, vua Nghiêu nhớ đến Hậu Nghệ, xạ thủ cừ khôi nhất của mình năm xưa, bèn sai chàng bắn rơi mặt trời, giải thoát cho hạ giới. Với tài bắn cung của mình, Hậu Nghệ dễ dàng bắn rới chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời làm nhiệm vụ soi sáng dương gian mà thôi.

Để trả ơn, nhà vua đã trao cho chàng một viên thuốc và dặn rằng: “Ngươi hãy ăn chay và cầu nguyện trong một năm, sau thời hạn một năm, ngươi hãy uống viên thuốc này. Nó sẽ khiến ngươi được trường sinh bất lão.” Nghe lời vua Nghiêu, Hậu Nghệ làm theo nhưng cũng chính từ đây tai họa đã giáng xuống hai vợ chồng mà chàng không hề hay biết.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ít lâu sau đó, Hậu Nghệ đi săn ở xa, Hằng Nga ở nhà một mình dọn dẹp nhà cửa bỗng thấy trên nóc nhà có một cái hộp, mở hộp ra thì bỗng thấy một viên linh dược tỏa sáng lấp lánh bên trong. Tò mò, nàng đưa lên miệng nuốt. Đúng lúc đấy, Hậu Nghệ trở về, chàng chợt hiểu chuyện gì xảy ra nhưng đã quá muộn, viên linh dược quá mạnh khiến Hằng Nga bắt đầu bay về trời.

Hậu Nghệ vội vã đuổi theo nhưng không kịp nữa rồi. Hằng Nga bay lên đến mặt trăng thì không thở được, viên thuốc bị văng ra. Kể từ đó, Hằng Nga mãi mãi ở lại trên mặt trăng, không thể nào trở về bên chồng được nữa. Nhưng vì quá nhớ thương Hậu Nghệ, ngày ngày nàng cùng những con thỏ ở đấy giã gạo mong tạo ra được viên thuốc như xưa nhưng đều vô dụng.

Trong khi đó, ở dương gian, Hậu Nghệ quá đỗi hối hận chỉ vì lơ đãng mà mãi mãi đánh mất người vợ xinh đẹp của mình. Chàng bèn đến cầu xin vua Nghiêu cho chàng được sống ở mặt trời để có thể gặp Hằng Nga.

Và thế, cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng Tám, ngày mà mặt trăng tròn và sáng nhất, Hậu Nghệ và Hằng Nga sẽ được đoàn tụ với nhau. Ở hạ giới, chính vì xúc động trước tình cảm chung thủy, sắt son của đôi vợ chồng, người dân luôn tổ chức ăn mừng và trở thành tục lệ cho đến nay. Có lẽ chính vì thế mà Tết Trung thu hay còn được gọi là Tết đoàn viên.

Một truyền thuyết khác nữa về Tết Trung thu đó là tương truyền, vào đêm rằm tháng Tám vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) đang dạo chơi trong vườn Ngự Uyển thì gặp một đạo sĩ nổi tiếng là La Công Viễn. Đạo sĩ bèn làm phép đưa nhà vua lên cung trăng dạo chơi. Ở đấy nhà vua say sưa thưởng thức những khúc nhạc huyền diệu, những nàng tiên nữ xiêm y thướt tha múa hát đến quên cả thời gian.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cho đến lúc ra về, nhà vua vẫn còn vô cùng lưu luyến. Về đến hoàng cung, nhà vua nhớ đến chốn bồng lai tiên cảnh bèn sai các nghệ nhân sáng tác ra khúc nhạc Nghê Thường Vũ Y để mô phỏng lại cảnh đẹp đêm ấy ở cung trăng và ra lệnh cho người dân tổ chức lễ rước đèn ăn mừng ngày rằm tháng Tám. Từ đấy rằm tháng Tám hay Tết Trung Thu đã trở thành một tập tục và được truyền lại cho đến tận bây giờ.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều truyền thuyết về ngày Tết đặc biệt này. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến Trung thu là ta lại nhắc đến một lễ hội truyền thống ở Việt Nam với những hoạt động vui chơi  như rước đèn, múa lân, bày mâm ngũ quả hay chỉ đơn giản là dịp để mọi người trong gia đình quây quần, sum họp chia nhau chiếc bánh trung thu tròn vẹn như tình cảm yêu thương sau những ngày tháng học hành và làm việc căng thẳng.            

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nguồn gốc ngày tết Trung thu" tại chuyên mục Tập tục - Truyền thống.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục