PV: Ở góc độ người làm sinh vật cảnh, xin ông cho biết những nguyên nhân khiến cây gãy đổ, loại trừ những nguyên nhân như mưa gió, bão…?
Ông Vương Xuân Nguyên: Qua nghiên cứu nhiều năm của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát triển sinh vật cảnh Việt Nam, chúng tôi xác định những nguyên nhân: Thứ nhất là chưa quy hoạch đồng bộ. Ở đây không chỉ là quy hoạch cây xanh mà còn bao gồm cả những yếu tố ngoại cảnh. Những công trình ngầm, viễn thông, ô nhiễm nguồn nước khiến cây xanh phát triển không đúng chu trình sinh trưởng và đặc điểm sinh học. Rễ không có chỗ để phát triển khiến cây chết dần chết mòn và thêm sâu mọt. Cây phượng vừa qua cũng nằm trong tình trạng như vậy.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên, một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh
Thứ 2 là do vi phạm nguyên tắc sinh trưởng: Cây phát tán đến đâu thì diện tích dành cho cây phải tương ứng. Về quy định, Thông tư số 20/2005 và nghị định 64/2010 của Chính phủ đã xác định giới hạn an toàn cho cây là phần đất tính bằng 10 lần đường kính cây. Thêm vào đó là ảnh hưởng của việc bê tông hóa làm cây phải nghiêng đi, mất thăng bằng.
Nguyên nhân nữa là yếu tố kĩ thuật trong việc chọn chủng loại. Chúng ta ưu tiên trồng những loại cây đẹp về cảnh quan, có độ phát tán lớn, có hoa như muồng, phượng, bằng lăng. Đặc điểm cây hoa là thu hút côn trùng, sâu bệnh nên đòi hỏi quy trình chăm sóc riêng ở việc cắt tỉa, tạo tán cũng như phát hiện sâu bệnh, đặc biệt sâu đục thân. Vì vậy có quy định một năm phải cắt tỉa 2 lần: Một lần là tạo tán, một lần chống bão.
PV: Với một cái cây còn xanh tốt có thể biết nó đang bị sâu bệnh và có nguy cơ gãy đổ?
Ông Vương Xuân Nguyên: Với một cây xanh nhìn bề ngoài phát triển bình thường thì chia ra làm 2 loại: Với cây lâu năm có bệnh lão hóa, sâu mục bên trong do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm nguồn nước, bê tông hóa…
Loại thứ 2 chính là dạng cây hoa thì thường bị sâu đục thân. Về mặt kĩ thuật hoàn toàn có thể xác định được: Dùng khoan bán thân, nhìn phần mùn là phát hiện ra ngay tình trạng. Nếu cẩn thận thì dùng thiết bị X-quang gắn đầu soi có thể biết khá chính xác bên trong thân cây. Với người có chuyên môn về lâm sinh chỉ cần nhìn lá, hoa, thân để nhận định cây đang gặp vấn đề gì. Trong một năm nếu chúng ta thực hiện 2 chu kì cắt tỉa thì chính những nhát cắt tỉa đó vừa giúp cây phát sinh, phát tán và còn cho chúng ta biết được cây đó đang bị bệnh gì bên trong.
PV: Chúng ta cũng có thể có những giải pháp khác để giữ khuôn viên xanh, không khí trong lành cho mỗi ngôi trường mà vẫn an toàn?
Ông Vương Xuân Nguyên: Việc chặt cây vì nguyên nhân trực quan thế không phải là giải pháp tận gốc. Trồng cây mới cũng vẫn có thể bị như vậy. Chúng ta có Nghị định số 64 về cây ở đô thị bao gồm cả cây công cộng, cây trong nhà dân, cây trong công sở. Nếu chấp hành đúng những hướng dẫn của quy định này thì có thể ngăn ngừa được. Đó mới là giải pháp tận gốc.
Năm nay kỷ niệm 60 năm Tết trồng cây, toàn bộ trong 15 bài Bác nói về Tết trồng cây có những nội dung không chỉ trồng mà còn chăm sóc. Nhìn lại câu chuyện đổ cây, rõ ràng thực hiện chưa đúng quy trình. Diện tích dành cho một cây tối thiểu chưa đủ. Bộ Xây dựng có ra chỉ tiêu là diện tích xây dựng cho cây xanh là 30-40%. Với diện tích như vậy thì hoàn toàn đủ để đáp ứng phát tán đến đâu, diện tích cho rễ đến đấy.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên trao đổi cùng chủ đề với Truyền hình Quốc hội
PV: Việc thực hiện theo đúng nghị định này cũng đang xảy ra nhiều khúc mắc?
Ông Vương Xuân Nguyên: Việc chặt hàng loạt cây sẽ vi phạm Nghị định 64. Những cây đó mặc dù có thể trong khuôn viên như công sở, trường học... nhưng đều cần cơ quan chức năng đánh giá đúng, chặt hạ đúng và cần giấy phép để tránh việc cắt nhầm hoặc lạm dụng làm thay đổi cảnh quan, kiến trúc ban đầu.
Cây xanh là tài sản của cơ quan, đơn vị cụ thể, trách nhiệm quản lí thuộc về người đứng đầu cơ quan. Nhưng việc cắt tỉa, chặt hạ, tạo tán lại phải tuân thủ theo Nghị định 64. Như vậy đặt ra vấn đề: Là chủ sở hữu không có quyền định đoạt, kể cả cây chất lượng kém.
Điều vô lí nhất của quy định này là việc: Chủ sở hữu phải đền bù một cây có giá trị tương ứng vào vị trí cây đã chặt. Việc này không khả thi. Nghị định này ra đời năm 2010 nhưng đến nay những hướng dẫn cụ thể chúng ta vẫn đang áp dụng theo Thông tư 20 có từ trước đó 5 năm có nhiều điều không phù hợp. Cần có sự điều chỉnh, ngay từ cái tên. Nghị định đó nói là Nghị định về quản lí cây xanh đô thị. Nhưng trong đối tượng về quản lí cây xanh đô thị phải bao gồm cây hoa, thảm cỏ, cây nền nhưng lại lấy chung là cây xanh. Cây xanh chỉ là một thành tố....Phải chăng nên gọi bằng tên: Nghị định về quản lí thảm xanh thực vật ở đô thị.
PV: Cũng đang có một cuộc tranh luận về việc trồng cây gì cho khuôn viên công cộng, trong đó có trường học để đảm bảo an toàn và cả lấy bóng mát. Ông có ý kiến gì quanh câu chuyện này?
Ông Vương Xuân Nguyên: Việt Nam có truyền thống chơi cây cảnh cả nghìn năm nay. Tổng kết ra những loại cây lâu niên có khả năng tái sinh, thích ứng với mọi loại điều kiện hoàn cảnh, thời tiết nước ta. Đó là bộ tứ quý: Sanh, si, đa, đề. Chúng ta cũng cần nghiên cứu những loại cây hoa bản địa khác. Nhưng cần cân đối tỉ lệ những loại cây có khả năng tái sinh cao, thân cây dẻo và đặc biệt thích nghi biến đổi thời tiết, khí hậu.
Bên cạnh đó, cũng cần quan niệm lại về cây xanh. Nhà trường không nhất thiết phải trồng toàn cây xanh mà nên có thêm nhiều thảm xanh thực vật. Như vậy sẽ duy trì được mật độ cân đối, đồng thời cần phân loại theo độ tuổi. Khi đã phân loại, với nhiều loại trên 50 năm dù không nghiêng vẫn phải chống đỡ. Cùng với đó là biện pháp đảm bảo giới hạn an toàn. Chúng ta đang xây lại nhiều ngôi trường, nhiều công sở thì không nhất thiết cứ phải cây tầm cao. Cây tầm thấp, thảm cỏ rất thẩm mỹ và tạo màu xanh.
Xin cảm ơn ông!./.