THÚ CHƠI NHÂN VĂN
PV: Thú chơi cây cảnh ở Việt Nam gần đây đang phát triển sôi động trở lại, nhiều người ngần ngại bỏ ra tiền tỷ để trưng những cây cảnh độc - lạ ở trong nhà mình. Có người chơi vì đam mê, nhưng cũng có người chơi vì kinh doanh - trao đổi. Vậy quan niệm của anh về vấn đề này như thế nào?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Trước hết, chúng ta nhận thấy khi đời sống vật chất của nhân dân tăng lên, thì các hoạt động tinh thần ngày càng phong phú hơn. Nhiều người tìm đến với thú chơi cây cảnh với các mục đích khác nhau, thì đây là tín hiệu tốt cho thị trường cây cảnh phát triển sôi động trở lại. Người nghèo có thể chơi vài chậu cây cảnh trị giá vài trăm ngàn; người khá giả hơn thì chơi cây trị giá vài triệu, vài chục triệu; người giàu thì chơi cây vài trăm triệu, cá biệt đại gia chơi cây tiền tỷ. Như vậy, thú chơi cây cảnh ngày càng có điều kiện phát triển hơn.
Tuy nhiên, gần đây người ta lo ngại cả hai xu hướng chơi và đầu tư vượt quá khả năng tài chính sẽ dẫn tới đầu cơ, kích cầu ảo hay tạo ra những hiệu ứng gây méo mó thị trường; Đây là những mầm mống tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ cho chính những người đầu tư kinh doanh mà còn tác động xấu đến người sản xuất hoa cây cảnh. Và điều đó sẽ tác động không tốt đến thú chơi cây cảnh nhân văn đã có tự ngàn đời.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ cùng chủ đề trên kênh VTC14
PV: Tại sao nhiều loại cây cảnh lại được định giá lên đến tiền tỷ thậm chí cả chục tỷ đồng?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Trước hết cần phải khẳng định để tạo được một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, đạt được các tiêu chí “Cổ - Kỳ - Mỹ” được cả cộng đồng lẫn giới chơi thừa nhận là một việc làm không hề dễ dàng. Có những tác phẩm phải mất vài chục năm, thậm chí phải vài trăm năm. Có khi cả một làng nghề nuôi trồng tạo tác cây cảnh may ra mới có thể tìm ra một cây như vậy.
Có thể thấy một số tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao (mà chúng ta vẫn quen gọi là “siêu cây”) thực sự không có nhiều. Những tác phẩm như vậy thực sự là rất giá trị. Nó sẽ trở nên vô giá với những người có điều kiện kinh tế, lại đam mê và khát khao sở hữu chúng.
Những tác phẩm này, nếu được đặt vào tay những người biết chăm sóc, có những kiến thức chuyên môn, am tường về nghệ thuật cây cảnh, lại có phẩm hạnh tốt gắn với sự thành đạt trong kinh doanh, thì đó thực sự là thông điệp góp phần lan tỏa những giá trị không chỉ cho làng cây, mà còn làm nên tên tuổi, thương hiệu cho chính những người sở hữu chúng.
Những năm gần đây, những người chơi cây nổi tiếng trong cả nước như nghệ nhân Thọ Nhựa, Thành Vàng, Hùng Xiếc; Dũng Ka cơ và nhiều tên tuổi khác trong làng cây khác khi sở hữu những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật như vậy đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa - nghệ thuật - kinh tế của cho cây cảnh nghệ thuật Việt Nam.
SỰ LỆCH LẠC CẦN ĐIỀU CHỈNH?
PV: Thú chơi cây cảnh vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, gần đây có một số người chơi cây cảnh thái quá, muốn thể hiện mình nhiều hơn là sở hữu một tác phẩm. Nhiều người cho rằng cần đánh thuế những giao dịch khủng khiếp như vậy. Vậy thì quan điểm của anh thế nào về vấn đề này?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Không chỉ riêng trong thú chơi cây cảnh, mà trong lĩnh vực nào khi gắn đến với hoạt động “chơi” đều như vậy. Thú chơi là nơi thể hiện quan điểm sống, thái độ sống, sự am hiểu tri thức đời thường, cũng như quan niệm của người chơi về hệ giá trị có liên quan. Chính vì vậy, cổ nhân thường khuyên nhau chơi:
“Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các, cho người biết tay”
Nhưng thực tế, cũng có người tìm đến thú chơi cây cảnh để thệ hiện mình, “chơi ngông” theo kiểu “Chơi cho đài các, cho người biết tay”, mà quên mất thú chơi văn hóa nhân văn phải lấy “chơi cho lịch” làm đầu. Ở một góc độ nào đó, cách chơi đó chưa thể hiện rõ bản chất của thú chơi cây cảnh của người Việt đã được trao truyền qua bao thế hệ.
Tuy nhiên, những người có cách chơi như vậy không phải là số nhiều nên theo tôi cứ để cho thời gian tự điều chỉnh và cộng đồng tự nhìn nhận. Cuối cùng, thì thú chơi cây cảnh vẫn phải quay về cái đích cuối cùng đúng nghĩa là thú chơi nhân văn tao nhã.
Riêng về góc độ có đánh thuế những giao dịch cây cảnh tiền tỷ hay không thì cần phải xem xét cụ thể theo các quy định hiện hành của pháp luật. Hiên nay, chúng ta mới đánh thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh những mặt hàng này. Còn hoạt động mua bán trao đổi của những trực tiếp dân người sản xuất hoa cây cảnh (chưa qua sơ chế, chế biến) thì chưa phải nộp thuế. Ngay cả khi chuyển những cây cảnh, Sinh Vật Cảnh có giá trị cao nếu là tài sản khi giao dịch chuyển nhượng cũng chưa phải nộp thuế.
NGÀNH KINH TẾ TRIỂN VỌNG!
PV: Hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh đã được công nhận là một trong bảy nhóm ngành phát triển nông thôn. Vậy theo anh, chúng ta cần phải làm gì để duy trì văn hóa chơi cây cảnh đúng nghĩa theo những tôn chỉ của chúng ta vào thời điểm này?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Chính phủ sau rất nhiều năm khởi động, đến năm 2018 đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP ngày 12/4/2018, trong đó chính thức công nhận hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh (trong đó có hoa cây cảnh) là một trong bảy nhóm ngành phát triển nông thôn. Đây là một cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để chuyển thú chơi cây cảnh đã có hàng ngàn năm thành một ngành kinh tế sinh thái. Đây là một quá trình do nhiều thế hệ tiền bối đã dày công gây dựng thông qua các hoạt động Sinh Vật Cảnh.
Tuy nhiên, để một thú chơi cây cảnh chuyển thành một ngành kinh tế thì chúng ta phải thay đổi và bắt đầu từ những quan niệm mới. Một mặt chúng ta phát huy những giá trị của ông cha, mặt khác chúng ta phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh. Đồng thời, đã là một ngành kinh tế thì nhất thiết phải tăng cường liên kết “5 Nhà” (Nhà nước – Nhà Khoa học – Nhà Doanh nghiệp – Nhà Nông – Nhà Truyền thông) trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ, phải có những hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển bền vững.
Những giá trị truyền thống trong thú chơi cây cảnh sẽ góp phần tạo nên những giá trị đặc thù của một ngành hàng mới. Đó là ngành Sinh Vật Cảnh, một ngành hàng đang tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua. Hàng năm, Sinh Vật Cảnh đóng góp rất đáng kể trong nhóm ngành Rau – Hoa – Quả với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
PV: Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội đã có những hoạt động gì để tạo ra sân chơi cây cảnh lành mạnh cho mọi người?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Bên cạnh việc phát huy những tôn chỉ, mục đích và Điều lệ Hội đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, thì Hội đã triển khai rất nhiều các hoạt động chuyên môn. Chúng tôi giúp hội viên trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề. Chúng tôi cũng mở những cuộc triển lãm với các quy mô khác nhau để tăng cường sự giao lưu, kết nối, cũng như đẩy mạnh việc giao lưu hợp tác Quốc tế. Thông qua những hoạt động như vậy, giúp cho mọi người nhận thức rõ hơn giá trị của những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, kết nối giao thương giữa người sản xuất và người tiêu dùng, và cũng là cách để cộng đồng nhận thức rõ hơn giá trị thực sự của cây cảnh nghệ thuật.
Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội để triển khai các hoạt động Sinh Vật Cảnh gắn với hoạt động phát triển làng nghề, kiến tạo không gian văn hóa. Đồng thời, chúng tôi đưa những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật vào các hoạt động xúc tiến thương mại, các lễ hội, trưng bày phục vụ những ngày lễ lớn của dân tộc và Thủ đô. Ở những hoạt động đó, Sinh Vật Cảnh không chỉ thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu, mà còn khẳng định là một ngành hàng mới hấp dẫn.
RỦI RO THUỘC VỀ AI?
PV: Anh có lời khuyên gì cho những người muốn chơi và đầu tư cây cảnh?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Nhu cầu đến với thú chơi cây cảnh thì ai cũng có quyền tiếp cận. Người ta không chơi cây cảnh thì có thể chơi siêu xe, hoặc chơi các loại tài sản khác. Thú chơi cây cảnh là một trong những thú chơi kết tinh những bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một hướng mà các đại gia, người có điều kiện, hoặc các cơ quan tổ chức quan tâm đầu tư gắn với phát triển du lịch, tạo ra môi trường thương mại lành mạnh là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, việc đầu tư cây cảnh vượt quá khả năng, nhu cầu, điều kiện kinh tế cụ thể của mình dẫn đến sự thiếu hụt vốn, rồi phải kích cầu tiêu dùng thái quá…gây ra sự méo mó về tín hiệu thị trường. Ở đó rất dễ xảy ra những tổn thương về thị trường. Một trong những tổn thương đáng lo ngại là sự “tháo chạy” đầu tư, mọi người đồng loạt tìm cách rời khỏi thị trường đột ngột.
Một khi tình trạng đó, xảy ra thiệt hại cuối cùng thuộc về những người nông dân sản xuất trực tiếp, những người kinh doanh cây cảnh. Còn chúng ta cũng có nguy cơ bị mai một những giá trị văn hóa trong thú chơi cây cảnh. Cùng với đó, những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của nước ngoài với những ưu việt của họ sẽ có cơ hội cạnh tranh trực tiếp với cây cảnh nội. Như vậy chúng ta đã đánh mất đi những lợi thế vốn có của mình.
Vì vậy, với những người tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh cây cảnh cần phải chuẩn bị những kiến thức, trình độ nhất định về thị trường, văn hóa, nhận thức, kĩ thuật…Đặc biệt cần lưu ý việc đầu tư, sưu tầm và chơi cây cảnh phải phù hợp với khả năng, nhu cầu và điều kiện cụ thể của mình. Không nên chơi vượt quá khả năng để phải kích cầu bằng những đòn bẩy từ bên ngoài dẫn đến mất kiểm soát và lâm vào tình trạng rủi ro như những câu chuyện từng xảy ra trong thời gian vừa qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!
Thanh Hà (thực hiện)