Di chuyển một vệt dài theo Quốc lộ từ Tuyên Quang lên thành phố Hà Giang, lên Đồng Văn, Lũng Cú, vòng về Mã Pì Lèng, mới thấy giao thông Hà Giang có bước phát triển vượt bậc. Trước kia, từ TP Hà Giang lên các vùng đất nói trên, là cả thử thách lớn, đi hàng mấy ngày đường, bầm vập, rã rời, thì nay vừa đi vừa dừng lại tham quan trong một ngày không lấy gì làm mệt nhọc lắm. Từ trục Quốc lộ, tỏa rộng ra các con đường liên huyện, liên xã, thậm chí liên thôn được trải nhựa hoặc bê tông, đưa du khách tới tận những nơi mà xưa kia gọi là khỉ ho cò gáy…
Những con đường ấy giúp đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, khiến cho đời sống nhân dân được nâng lên. Nhìn các thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc… với những ngôi nhà cao tầng, cửa hàng khang trang, đầy hàng hóa, thấy chẳng khác nào các thị xã dưới xuôi. Giao thông, kinh tế phát triển, cũng giúp Hà Giang phát triển du lịch.
Từ cơ sở vật chất được tăng cường, Hà Giang đã biết phát huy sức mạnh của văn hóa truyền thống và của hoạt động truyền thông, tạo nên nội lực cho du lịch.
Có thể thấy mấy biểu hiện về việc Hà Giang phát huy những giá trị sẵn có để phục vụ phát triển như sau:
Thuộc về con người, Hà Giang có nhân vật nổi tiếng là “Vua Mèo”. Trước đây, nhân vật này chỉ được ghi trong sử sách, chứ ít được nhắc đến trên truyền thông. Nay, Hà Giang đã tuyên truyền toàn diện về “Vua Mèo”, từ thân thế, sự nghiệp, tới những câu chuyện mang tính huyền thoại về quan hệ của “Vua Mèo” với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cách mạng. Ngôi nhà cổ của dòng tộc “Vua Mèo” liên tục xuất hiện trên hệ thống truyền thông, từ giá trị lịch sử, văn hóa học, dân tộc học… tới việc tranh chấp quyền sở hữu… khiến nhiều người muốn một lần tận mắt nhìn ngôi nhà cùng những bức ảnh về gia tộc huyền thoại ấy.
Thuộc về thiên nhiên, Hà Giang có Cao nguyên đá Đồng Văn, Cổng trời, đỉnh Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế… là những địa danh đã quen thuộc với mọi người. Thế nhưng, Tam giác mạch, một loài hoa dại, mọc vô tư trên các sườn đồi, góc ruộng mới tạo nên sắc thái riêng cho Hà Giang. Có lẽ cũng từ sự tình cờ, khi mà ảnh các bạn trẻ check – in với hoa Tam giác mạch cùng những lời ngợi ca vẻ đẹp giản dị, hoang sơ của loài hoa xứ núi xuất hiện trên các mặt báo, trên mạng xã hội với tần xuất dày đặc, người Hà Giang bỗng nhận thức ra rằng mình “Cầm vàng mà chẳng biết vàng trong tay”, để có cách ứng xử ưu ái với Tam giác mạch. Hoa tam giác mạch trở thành hiện tượng truyền thông, được khai thác triệt để, từ đó tạo nên cơn sốt hoa Tam giác mạch, khiến cho người ta có tâm lý “Nếu lên Hà Giang mà không chiêm ngưỡng hoa Tam giác mạch thì chưa phải là đã đến Hà Giang” và “Phải đến Hà Giang để được tận mắt chiêm ngưỡng hoa Tam giác mạch”. Từ chỗ mọc hoang dại, Tam giác mạch được gieo trồng, chăm sóc, khai thác. Nhiều bãi cỏ, quả đồi được trồng hoa Tam giác mạch, đến mùa hoa nở phủ lên một màu tim tím phớt trắng, miên man, gợi cảm. Bên cạnh những bức ảnh thú vị chụp với Tam giác mạch, người ta còn mua về làm quà món bánh làm bằng hạt Tam giác mạch nữa. Thú vị thay, loài hoa dại tưởng như vô ích, đã trở thành món ăn vật chất và tinh thần riêng biệt của Hà Giang, đem lại sức hút cho du lịch, nguồn thu cho người dân địa phương.
Một dạo, dư luận sôi lên sùng sục phản đối Panorama - công trình xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng. Thế nhưng, nhờ sự tai tiếng này, mà Mã Pì Lèng được bao người quan tâm. Các đoàn du lịch, các nhóm phượt thủ lũ lượt lên xem công trình đang có nguy cơ bị phá dỡ, để rồi thẫn thờ trước vẻ đẹp hùng vĩ của Mã Phì Lèng, của sông Nho Quế duyên dáng, của Hẻm vực Tu Sản hóc hiểm, một cảnh quan hoành tráng nhất của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. May thay, qua nhiều cuộc kiểm tra, bàn luận, Hà Giang chỉ xử lý ở mức cho cắt bỏ 1 tầng, giữ lại 1 tầng trên mặt đất cùng 5 tầng giật cấp xuống triền dốc, cải tạo kiến trúc cho hài hòa hơn, biến thành điểm dừng chân, không phục vụ ngủ nghỉ. Nếu người ta cực đoan phá dỡ bằng được công trình này, chắc chắn sẽ tạo nên một vết thương muôn đời lở loét làm hoen ố cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Bây giờ, Panorama đã trở thành điểm dừng chân không thể thiếu đối với những người ưa phong cảnh thiên nhiên. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, Hà Giang cho mở con đường từ mặt quốc lộ xuống sông Nho Quế dài 8 Km, đủ rộng cho hai xe máy tránh nhau, đúc bê tông, theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Lập tức nơi đây hình thành dịch vụ xe ôm với đội quân mấy chục người túc trực chở du khách ngược xuôi thăm sông Nho Quế. Em Khánh, người Dáy, học sinh lớp 12, một xe ôm không chuyên, cho biết: Nhà nước cho tiền làm đường, nhân dân góp công sức và mỗi nhà đóng 100 ngàn đồng để làm nên con đường này. Ngồi sau xe ôm chạy trên con đường ngoằn ngoèo, hun hút, chúi sâu mãi xuống vực, thỉnh thoảng lại rợn người vì một khúc cua oái oăm, hoặc giật nảy mình vì cú sóc trời giáng, có cảm giác như đi du lịch mạo hiểm, khá thú vị. Nhờ dịch vụ xe ôm, cùng với dịch vụ chở thuyền dạo sông Nho Quế, nhân dân vùng này có thêm việc làm, thêm nguồn thu. Như em Khánh này, tuy chỉ tranh thủ chạy xe ngày chủ nhật, cũng kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng.
Thuộc về nghệ thuật, Hà Giang có Nhà của Pao, địa danh đã trở nên nổi tiếng khắp nước, nằm ở Làng Văn Hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Thực ra, đây là một ngôi nhà truyền thống không tên của đồng bào H’Mông, được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đến khi đoàn làm phim Chuyện của Pao sử dụng ngôi nhà này làm bối cảnh cho phim, rồi phim nổi tiếng, ngôi nhà bỗng dưng có tên (không biét do ai đặt): Nhà của Pao. Hay thay, người ta chỉ lấy nhân vật ngoài đời để chuyển thành nhân vật phim ảnh. Bây giờ, có hướng đi ngược thú vị: tên nhân vật chính của phim trở thành tên ngôi nhà. Vậy là, nhờ Hà Giang giữ được ngôi nhà truyền thống và nhờ tài nghệ của những nhà làm phim, Nhà của Pao trở thành hiện tượng truyền thông, từ đó tạo sức hút du khách hơn nam châm hút sắt. Nghệ thuật đã giúp cho cuộc sống của nhân dân địa phương khởi sắc!
Thuộc về chính trị, Hà Giang có cột cờ Lũng Cú, mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Từ thành phố Hà Giang, theo Quốc lộ 4C ngược lên phía Đông Bắc khoảng 160 km, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú - Đồng Văn khoảng 40 km, ta sẽ đến đỉnh Lũng Cú. Ở đó, nổi bật lên cột cờ Tổ quốc với ngọn tháp cao và lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn tung bay trước gió, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta. Tuy đường xá xa xôi, leo đồi vất vả, nhưng đông đảo du khách vẫn hăm hở lên đỉnh cột cờ, thể hiện tình yêu, lòng tự hào với Tổ quốc thiêng liêng của mình.
Hoa Tam giác mạch đẹp bình dị, cột cờ Lũng Cú oai nghiêm khẳng định chủ quyền của Tổ quốc
Khi trao đổi với tác giả bài viết này về Hà Giang, Nhà văn Ngô Quang Hưng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nói: “Thật hạnh phúc khi ta trải nghiệm vùng đất con người trên cao nguyên đá, nơi mà hạt ngô gieo con người vào năm tháng Đồng Văn, nơi đá nảy mầm trong nỗi nhọc nhằn để trổ bắp. Cảm nhận mùa màng ùa về trên khói bếp khi mà đá ngọt trong sương chắt ra sóng sánh rượu núi. Những cối xay ngô nghiền nát nỗi buồn đá núi để làm ra giọt sữa đầu nguồn. Nơi ấy với tôi khắc khoải nỗi nhớ thời vận động bà con bảo tồn di sản văn hóa bản địa của tộc người để nhen nhóm sản phẩm du lịch… Ngày đó, gần 20 năm trước, các nhóm công tác cùng cán bộ văn hóa cơ sở dựa vào già làng, nghệ nhân vận đông bà con bảo tồn làng truyền thống, trang phục truyền thống và lễ hôi truyền thống. Ba mũi nhọn đó được triển khai theo tinh thần Nghị quyết TW 5 và cũng hợp lòng dân nên đã cắm rễ được trong cuộc sống đồng bào dân tôc miền biên viễn. Văn hóa đã góp phần gìn giữ truyền thống, gieo mầm cho phát triển”.
Lời nói của nhà văn Ngô Quang Hưng cho ta thấy rằng, Hà Giang có bước phát triển về văn hóa, du lịch như ngày nay, không phải là do ngẫu nhiên, mà do sự gắng công có chủ đích của những thế hệ cán bộ đi trước. Từ cái nền ấy, lớp người đi sau biết liên kết tất cả các yếu tố con người, thiên nhiên, văn hóa, nghệ thuật, chính trị… để tạo nên một giá trị tinh thần đặc biệt, rồi tận dụng sức mạnh của truyền thông tạo nên sức hút lớn về du lịch. Kèm theo đó là hệ thống giao thông phát triển, giúp cộng đồng tiếp cận thuận lợi với các giá trị đó.
Với hướng đi đúng đắn như vậy, tin rằng Hà Giang sẽ phát triển mạnh hơn, trong đó ngành Văn hóa, Du lịch xứng đáng là nền tảng và động lực của sự phát triển ấy.
Người đẹp, thiên nhiên đẹp làm ấm lòng du khách
Đường xe máy dài 8 km xuống sông Nho Quế
Khánh, người Dáy, xe ôm Nho Quế: Đón khách vui lắm
Đội quân xe ôm phục vụ du khách tham quan Nho Quế
Vui với những bông hoa rừng
Con người và thiên nhiên đều thân thiện
Panorama Mã Pì Lèng tai tiếng vì xây dựng không phép, đã được hợp thức hóa, trở thành điểm đến hấp dẫn