Nguyễn Trương Quý vốn là cái tên rất quen thuộc với những độc giả ưa thích đọc tản văn về Hà Nội và những người thích tìm hiểu về Hà Nội, đặc biệt là từ những góc nho nhỏ rất riêng của thành phố này.
Anh từng có nhiều tập tản văn viết về Hà Nội như “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004); “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008); “Hà Nội là Hà Nội” (2010); “Xe máy tiếu ngạo” (2012), “Dưới cột đèn rót một ấm trà” (2013), “Còn ai hát về Hà Nội” (2013)…
Nguyễn Trương Quý thầm lặng đi theo con đường viết về Hà Nội, giống như các bậc tiền bối Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn hay Hoàng Đạo Thúy. Anh viết từ góc nhìn của anh, từ những chi tiết rất nhỏ mà mang đặc trưng của Hà Nội, từ phở, xe máy, cho đến những chiều sâu về thời gian và tính cách của người Hà Nội. Những năm gần đây, những trang viết của Nguyễn Trương Quý đã giàu tính khảo cứu hơn, khiến tản văn của anh hấp dẫn hơn.
“Hà Nội bảo thế là thường” ghi lại những câu chuyện bên chén trà ngoài quán nhỏ hay mâm cơm trong gia đình với những nét cạnh của Hà Nội, những mảnh ghép mang đậm bản sắc, đặc tính của Hà Nội…
Như, Trương Quý lý giải người Hà Nội thích ngồi chè chén vỉa hè vì nó mang lại cảm giác khinh khoái giang hồ vặt: “Ở Hà Nội, quán nước chè và quán bia hơi giống như một sự nối dài các không gian cộng đồng. Những địa điểm này tập trung tinh thần những giai thoại “người Bắc có lý luận”, khi những người uống bia hơi và nhấp chén trà không say cồn mà say giành phần thắng trong tranh cãi.
“Hà Nội bảo thế là thường” cùng với nhiều cuốn sách khác của Nguyễn Trương Quý góp phần làm nên một định nghĩa về Hà Nội, cố định những giá trị, để Hà Nội dù trở nên hiện đại vẫn là một đô thị có hồn cốt riêng.