Theo giới chơi lan cho biết, lan rừng chủ yếu được lấy từ các cánh rừng Tây Bắc của Việt Nam, sau này được du nhập từ Lào, Campuchia, Đài Loan, Thái Lan... Tính sơ bộ có khoảng hàng chục nghìn loài lan khác nhau, bao gồm các loài lan rừng tự nhiên và lan lai ghép, đa dạng về chủng loại, hình dáng, màu sắc, hương thơm. Lan rừng phổ biến là phi điệp, hạc vĩ, quế lan hương, đai châu...; lan lai ghép phổ biến là cattleya, giả hạc Pháp, Hawaii...
Anh Vũ Thái Sơn ở xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa là người chơi lan đã có kinh nghiệm hơn 20 năm, chia sẻ: “Phong trào chơi lan đang trở nên ngày càng phổ biến, không chỉ người cao tuổi mà còn xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Mình đến với hoa lan gần như là cái duyên, bởi yêu thích loài hoa này, tuy khó chăm sóc, nhưng thuần dưỡng được nó là mình cảm thấy rất vui”.
- Nhiều người nói anh có vườn lan đẹp trong tỉnh không ai sánh bằng, anh nghĩ sao? Tôi dò hỏi.
Anh Sơn cười:
- Mình chơi lan chỉ biết chăm sóc cho vườn lan lúc nào cũng tươi tốt, ra hoa, chứ còn đẹp đến đâu lại do người cảm nhận.
Anh Sơn khiêm tốn vậy chứ qua tìm hiểu một số bạn bè là người chơi lan của anh, chúng tôi được biết anh có nhiều giò lan to đẹp và giá trị, với khoảng 50 loài lan, chủ yếu là lan rừng, như: Phi điệp, cát, hài, đai châu... Giò lan giá trị nhất ước khoảng 50-60 triệu đồng, giò lan giống là 20-30 triệu đồng. Hàng năm, anh mang hoa lan đi trưng bày ở trong, ngoài tỉnh và đều có giải thưởng cao. Đặc biệt phải kể đến giò lan phi điệp của anh vừa đạt giải nhất tại hội hoa lan Nam Định mở rộng lần thứ nhất tháng 6-2018, với 45 ngọn, ngọn dài nhất 1,5m. Giò lan này trước đây anh được một người bạn tặng cho lúc đó mới chỉ có 3 ngọn, sau 16 năm kiên trì chăm sóc đã phát triển lên thành hàng chục ngọn. Tiếp đến là giò hoa lan đen - rô vàng tham gia hội hoa lan Mộc Châu lần thứ II năm 2018 được giải ba; một số giò lan khác được trưng bày triển lãm tại huyện Cẩm Thủy...
Vườn lan của anh Vũ Thái Sơn (xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa) luôn được chăm sóc tươi tốt.
Theo kinh nghiệm của anh Sơn, trồng lan biết thì rất dễ, không biết thì rất khó, kiên trì chăm bẵm thì lan sẽ ra hoa. Vì thế anh cứ quanh quẩn trong vườn lan, hàng ngày tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ, kịp thời che chắn cho lan khi nắng quá để tránh khô héo, mưa quá tránh úng thối. Chăm lan tốn rất nhiều công sức, tiền của. Cây lan rừng mang về trồng ít nhất phải 3 năm sau mới thuần được ở trong vườn nhà, khi đã thuần được rồi thì lại rất dễ. Để lan có thể ra hoa được, theo anh Sơn yếu tố quan trọng nhất vẫn là môi trường trong khu vườn phải có đầy đủ ánh sáng, độ ẩm, thoáng gió để cây lan phát triển, như vậy là đạt 70% cây sống, còn lại do chăm sóc, bón tưới mà thành.
Chị Hoàng Kiều Vân ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa - một phụ nữ ở độ tuổi trung niên rất yêu hoa lan, đến độ nói về hoa lan, chị có thể trao đổi, tâm sự suốt cả ngày không hết chuyện. Chị chơi lan được khoảng 10 năm nay, với hơn 100 giò chủ yếu là phi điệp, quế, tam bảo sắc, đai châu, cáo, chồn... Chị chia sẻ: “Chơi lan kỳ thực rất công phu, vì thế mà nhiều chị em tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi làm đẹp còn mình thì lại vùi đầu vào chăm sóc cây cối. Cho nên người mê lan thì ăn, ngủ, có tiền cũng nghĩ đến lan đầu tiên. Hoặc có khi bớt ăn, bớt mặc, bớt đi chơi... để dành tiền mua giò lan người khác có mà mình chưa có. Mình thích chơi lan vì đó là thú chơi tao nhã, lành mạnh và làm đẹp cho đời”.
Nói về kinh nghiệm chơi lan, chị Vân có thể nói vanh vách. Theo chị, hoa lan có rất nhiều dòng khác nhau, mỗi dòng lại có nhiều chủng loại. Nam giới ưa chuộng dòng lan kiếm vì hoa có vẻ đẹp mạnh mẽ cùng mùi thơm dịu dàng; còn phụ nữ lại thích lan phi điệp vì có mặt bông đẹp, môi tuyết, viền hồng đậm, nhiều cánh... Người trồng lan phải hiểu rõ về đặc tính của lan thì mới chơi được lâu bền. Lan là giống cây ưa ẩm nhưng không được ướt. Đặc biệt chú ý khi trời mưa rất dễ gặp phải con ruồi vàng đục thân thòng, nước mưa ngấm vào gây thối nhũn; hoặc trời đang mưa mà nắng sửng lên, nước mưa đọng lại gặp nắng chiếu vào giống như lăng kính hội tụ sẽ đốt cháy thân thòng là hỏng hết. Ngoài ra, lan còn dễ bị một số loài ốc sên, sâu phá hoại và mắc các bệnh nấm.
Hiện nay, người chơi lan cũng được chia thành hai trường phái: Đẳng cấp và bình dân. Người bình dân chơi lan đại trà, trồng để chơi trong vườn nhà với một số loài lan phổ biến, giá trị không cao. Còn những người đẳng cấp sở hữu những cây lan trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, như một số chủ lan ở các huyện Như Xuân, Nông Cống... Các loại lan đại trà được bán tính theo cân, lan có mặt bông đẹp hơn được tính theo ngọn, còn lan đột biến đẹp và độc (dân chơi lan thường gọi theo tên khoa học là VAR) được tính theo xen-ti-mét. Ví dụ 1 xen-ti-mét lan đột biến có giá vài trăm nghìn đồng thì một cọng lan sẽ có giá vài triệu đồng và một giò lan đó có thể lên tới vài trăm triệu đồng hoặc cả tỷ bạc. Vì vậy, dân chơi lan thường lùng mua những cọng lan đột biến, sau đó đem về trồng, nhân rộng với mục đích sưu tầm, trao đổi, mua bán. Vì thế, đã không ít người trở thành tỷ phú, triệu phú xuất phát từ thú chơi hoa lan.
Chơi lan không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, mà trong tâm thức đó còn là một thú chơi tao nhã, tinh tế. Quả đúng như các cụ thường nói: “Chơi lan dưỡng tính, chơi cá dưỡng tâm”. Bởi chơi lan không thể nóng vội, mà phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. Từ một mầm lan mua về cần được chăm sóc 1 năm, 2 năm, thậm chí 5 năm mới ra hoa, quá trình đó người chơi đã thấm kinh nghiệm và chơi lan mới được lâu bền. Điều này đã được anh Ngô Hoàng Hải ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Thanh Hóa khá tâm đắc: “Từ lúc 15 tuổi, khi đến nhà ông bác chơi lần đầu tiên mình nhìn thấy một cây quế lan hương ghép trên thân cây nhãn rất đẹp, thế là mình thích quá xin bác một nhánh về trồng. Từ đó mình bắt đầu đam mê, mua lan về trồng treo khắp trong vườn. Chơi lan không chỉ giúp mình thuần dưỡng được tính khí nóng nảy, rèn độ kiên trì mà còn đem lại những giây phút thư thái trong tâm hồn”.
Anh Hải cũng thuộc “tốp” người trẻ có nhiều kinh nghiệm chơi lan đã gần 30 năm. Khu vườn nhà anh được phủ kín bởi màu xanh ngăn ngắt của hàng trăm loài lan khác nhau, chủ yếu là lan rừng. Khi mua lan về trồng, anh chọn những giống lan có thân lá không bị gẫy dập, rễ còn nguyên vẹn thì cây mới khỏe, trồng mới nhanh phát triển và ít bị bệnh. Một số lan được anh trồng ghép vào các thân cây gỗ, phun thuốc kích rễ, kích mầm, tưới nước hàng ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối... chăm sóc hoa lan như chăm con mọn. Vì thế, anh luôn quyết tâm trồng và chăm sóc cho đến khi nào lan ra hoa thì mới thôi.
Với bản lĩnh, trách nhiệm và uy tín trong giới chơi lan trong tỉnh, anh Hải đã được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Thanh Hóa. Sau 4 năm thành lập đến nay câu lạc bộ đã có 50 hội viên, tập trung ở khu vực TP Thanh Hóa, trong đó có 5 nữ. Sau này phong trào chơi lan đã phát triển rộng rãi trong toàn tỉnh, một số huyện, thành phố đã thành lập được câu lạc bộ hoa lan, như: Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống... với con số lên đến hàng nghìn người chơi lan. Và niềm vui như được nhân lên khi Hội hoa lan Thanh Hóa tới đây được thành lập sẽ quy tụ, tập hợp những người chơi lan, những câu lạc bộ hoa lan trong toàn tỉnh, tạo thành phong trào, thú chơi lành mạnh trong cộng đồng. Đồng thời tạo sân chơi giao lưu kết nối trao đổi giữa những người yêu lan, góp phần bảo tồn, lưu giữ, phát triển loài hoa quý, làm đẹp cho đời và làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.