Tiểu thuyết “Cát bụi thương trường”.
Là một trí thức được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, vào nghề đúng lúc Nhà nước có chủ trương mở cửa, phát triển kinh tế thị trường. Nhưng vì lòng tham vô đáy che mắt, nên Ngọc không hiểu được rằng, khi mở cửa, nền kinh tế của đất nước sẽ có những “cơn gió lành” thổi vào để mọi tài năng phát triển, nhưng đồng thời lại mang theo nhiều “bụi bặm”, “ruồi muỗi”, thậm chí là những “cơn gió độc” ào vào. Hơn nữa, Ngọc đã mắc sai lầm khi không hiểu về định hướng xã hội chủ nghĩa, nên đã tìm mọi cách, bằng bất kỳ giá nào để cô nhanh chóng đoạt được chức vụ Giám đốc công ty mà mình đang làm, do ông Giám đốc già về hưu “nhượng” lại với cái giá quá đắt - sự trinh tiết của tuổi thanh xuân.
Để làm giàu và cũng chính là để phát triển tập đoàn Hồng Ngọc ngày một lớn mạnh, Ngọc không từ một thủ đoạn nào, từ việc đào tạo đội ngũ doanh nhân giúp việc cho mình thông qua con đường ăn chơi trác táng ở trung tâm giải trí, để có điều kiện tiếp xúc với đội ngũ quan chức thoái hóa biến chất. Cô ngộ nhận cho rằng, những cô gái bám được vào đội ngũ quan chức bằng cách “hủ hóa” họ để thỏa mãn những tham vọng của mình, chính là những cô gái có tài và thông minh. Trong bước đầu phát triển, Ngọc đã biết lợi dụng những mảnh đất vàng của công ty vốn được giao để xây dựng cửa hàng cung cấp thời bao cấp, giờ chuyển sang cho thuê, xây dựng nhà để bán kiếm lời.
Càng được tiếp xúc gần gũi với các “sếp trên”, Ngọc càng không từ thủ đoạn để nhận được những ưu ái thông qua việc gợi ý và phê duyệt các dự án, nên đã nhanh chóng phô trương thanh thế bằng một loạt dự án trọng điểm: Thành lập Ngân hàng Hồng Ngọc, Bệnh viện quốc tế Hồng Ngọc, Trường Đại học quốc tế Hồng Ngọc, xây dựng khu đô thị ở phía Nam thành phố và xin được nhiều quota xuất nhập khẩu béo bở.
Ngọc điều hành các cơ sở kinh doanh của mình không bằng chiến lược mà bằng tài xoay sở, lừa lọc, thậm chí bằng cả những thủ đoạn đê tiện: Biến bệnh viện thành nơi tiêu thụ thuốc xách tay chưa được Nhà nước cấp phép dẫn đến cái chết của nhiều người; biến trường đại học quốc tế thành nơi gian lận thi cử cấp bằng giả lấy tiền, khi bại lộ Ngọc đã dám thiêu hủy cả kho lưu trữ và thư viện nhà trường để xóa dấu vết gian lận.
Đối với gia đình mình, Ngọc chỉ coi là phương tiện gần gũi nhất để thực hiện tham vọng làm giàu. Cô ủng hộ chồng ra lập công ty luật, không phải để giúp cô làm ăn chính đáng theo đúng luật lệ Nhà nước, mà chỉ để phát hiện những “lỗ hổng” của luật pháp và dựa vào đó làm ăn bất chính. Không chỉ chồng, Ngọc sử dụng chính con gái của mình làm công cụ để mở rộng mối quan hệ kinh doanh.
Thanh - cô con gái xinh đẹp, yêu quý của Ngọc - khi du học ở Mỹ đã lấy một nhà triệu phú Mỹ. Nhưng khi về nước, Ngọc sẵn sàng đưa Thanh đến gần gũi, mơn trớn một sếp lớn vừa góa vợ, để hy vọng Thanh sẽ trở thành vợ kế của sếp, làm con tin cho mọi áp phe làm giàu của cô.
Nhưng đáng tiếc, tất cả sự nghiệp của Ngọc đều đi đến đổ vỡ khi cô phải đối mặt với thua lỗ, pháp luật và cả dư luận xung quanh. Cuối cùng, tập đoàn Hồng Ngọc phá sản, gia đình cũng tan nát: Chồng bỏ về quê sống cùng ô-sin, Thanh bị tâm thần. Ngọc dong xe đi khắp các chùa chiền, miếu mạo với mong muốn nhờ thần thánh cứu giúp những thất bại của mình, đồng thời có thể cùng cậu lái xe giải khuây trong những lúc bế tắc.
“Cát bụi thương trường” quả thật đã để lại nhiều bài học cho tầng lớp doanh nhân thời mở cửa.
Tác giả của “Cát bụi thương trường” - Nguyễn Thiện Luân, là một nhà văn không chuyên, nhưng suốt cuộc đời từ khi ra trường cho đến khi nghỉ hưu, ông đều đã kinh qua công tác lãnh đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh và sau này trở thành Thứ trưởng của một Bộ, chuyên theo dõi khối sản xuất kinh doanh của một ngành lớn. Vì vậy, ông am hiểu tường tận hoạt động của các doanh nghiệp từ thời bao cấp đến khi chuyển sang cơ chế thị trường. Ông hiểu biết sâu sắc về các doanh nhân, đặc biệt ông rất am tường những thủ đoạn làm ăn bất chính của họ, nhất là khi đất nước mở cửa các doanh nghiệp được giải phóng, doanh nhân như những con chim xổ lồng vỗ cánh bay lên.
Phần lớn họ đều là những người làm ăn chân chính, chấp hành đúng luật lệ với cố gắng từng bước đóng góp sức mình để phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng trong số đó, có không ít người lợi dụng chủ trương mở cửa của Nhà nước đã bộc lộ lòng tham vô đáy của mình để phát triển kinh doanh bằng bất kỳ giá nào. Điều này khiến các doanh nghiệp, thậm chí các tập đoàn từng bước đi đến phá sản và “hủ hóa” đội ngũ cán bộ quản lý bằng những thủ đoạn đen tối.
Đọc “Cát bụi thương trường”, điều dễ nhận thấy ở tác giả là người có vốn sống phong phú, hiểu biết sâu sắc, mô tả tường tận các sự vật và nhân vật trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, vì không phải là nhà văn chuyên nghiệp, tác giả còn quá nhiều thiếu sót về nghiệp vụ văn chương, văn phong chưa thật sáng, việc mô tả nhân vật chưa sắc nét và đối thoại còn rườm rà. Đấy là những điều còn tiếc nuối đối với người đọc. Tuy vậy, “Cát bụi thương trường” vẫn là một bộ tiểu thuyết nên đọc.
Nguyễn Hạnh