Dòng xe đông đúc trên đường Tố Hữu (Hà Đông) trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: Ngọc Tú
Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Chính phủ chủ động áp dụng một loạt các biện pháp chưa từng có trong tiền lệ với quy mô lớn; có những biện pháp cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài tập trung cao độ về nhân lực và trang thiết bị hiện đại để cứu chữa người bệnh, giải pháp cách ly toàn xã hội đã được thực thi, cùng với cách ly, khoanh vùng, dập dịch được triển khai mạnh mẽ nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Mỗi một ca bệnh, rất nhanh tất cả những người tiếp xúc gần với người này đều được khoanh vùng, cách ly để tiến hành xét nghiệm… Chính những điều đó đã khiến Việt Nam được nhắc đến như một điểm sáng trong công tác phòng chống đại dịch toàn cầu lần này.
Điều đáng nói là những giải pháp Chính phủ đưa ra luôn nhận được sự tin tưởng, đồng tình thực hiện của người dân. Thực tế, những việc đó cũng không hề khó khăn gì, chỉ cần làm đúng và một cách nghiêm túc việc hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc gì thật sự cần thiết, đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, khai báo thông tin y tế và hành trình khi được yêu cầu…, bất cứ ai cũng sẽ giữ được an toàn cho chính bản thân mình, cũng như cho cả xã hội. Và điều đáng mừng là đại đa số người dân đã thực hiện nghiêm những khuyến cáo ấy, những chiến dịch kêu gọi mọi người ở nhà và cổ vũ các nhân viên y tế, cũng như chia sẻ một bức tranh phong cách cổ động có nội dung: "Ở nhà là yêu nước" đã tạo ra sự lan tỏa lớn.
Nhưng, không vì những điều đáng vui mừng ấy mà để tâm lý chủ quan xuất hiện trong bất kỳ thời điểm nào. Bởi dịch bệnh không loại trừ bất cứ ai, với diễn biến hết sức phức tạp, dù không nhiều, nhưng những ca bệnh trong cộng đồng không xác định được nguồn lây đã cho thấy những nguy cơ hiện hữu với bất cứ cá nhân nào. Nhìn rộng ra các nước trên thế giới cho thấy, chính sự chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp hạn chế giãn cách xã hội, đã dẫn đến các ca nhiễm mới gia tăng nhanh và rất khó kiểm soát. Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn khi người dân gia tăng giao tiếp xã hội, nếu chỉ một chút lơ là, chủ quan, cái giá phải trả sẽ vượt xa mọi tưởng tượng.
Vì vậy, ngày nào còn giãn cách xã hội, còn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch, ngày đó chúng ta phải tuân thủ thật tốt chữ “nghiêm”. Mỗi người cần “nghiêm” với chính bản thân mình, không thể tự cho phép mình “lơi lỏng”, các cơ quan chức năng “nghiêm” với người vi phạm. Những ngày vừa qua, hàng nghìn trường hợp đã bị xử phạt, kể cả về hình sự khi vi phạm các quy định phòng, chống dịch, “lách” luật để mở các dịch vụ không thiết yếu, chống người thi hành công vụ… Những mức xử phạt này phải nghiêm khắc hơn nữa mới tạo được sự răn đe, mới ngăn chặn tâm lý lơi là, chủ quan với dịch bệnh.
Bởi khi đã có hướng đi đúng, giải pháp hiệu quả, toàn bộ người dân phải đồng lòng, thực thi nghiêm túc mới có thể góp phần đẩy lùi được dịch bệnh. Chỉ cần một hành động thiếu ý thức, vi phạm quy định của một ai đó, rất có thể sẽ là mầm mống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và biết bao công sức của cả hệ thống sẽ bị phá vỡ.
Theo KTĐT