Thủ tục cuối cùng với EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua.
Cụ thể, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) bằng hình thức văn bản. Có thể nói, đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía Liên minh châu Âu.
Ngay sau đó, nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ… đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của EU, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hiệp định, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19.
Như vậy, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của hiệp định dự kiến là 30 ngày kể từ ngày thông báo sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định này. Đồng thời, để chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định, theo kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động rà soát để triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định EVFTA.
Có thể thấy, việc EU sớm hoàn tất toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, thậm chí thúc đẩy chuẩn y bằng hình thức văn bản khi không thể tiến hành các cuộc họp như thường lệ đã thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Đồng thời, quyết định này cũng khẳng định thông điệp của EU và các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, duy trì các dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng, hạn chế xu hướng bảo hộ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt sau khi chính thức được hai bên thông qua, EVFTA sẽ trở thành "bệ phóng" đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên giúp khôi phục lại hoạt động sau thời gian dài chịu những tác động nặng nề do dịch COVID-19.
Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2020 có thể khả quan hơn do bệnh dịch được đẩy lùi cũng như việc hàng hóa trong nước đến châu Âu gia tăng, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, dòng hàng cùng nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ EU tới Việt Nam gia tăng cũng mang lại cơ hội để giảm phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hàng hóa nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Ngoài ra, hệ thống vận tải nội khối EU cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới vì COVID-19. Do đó, về trước mắt, việc ký kết đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với EU sẽ gặp nhiều đình trệ.
Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất như để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa thì đắt hơn nhưng điều đó lại giúp các doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian này để nghiên cứu kỹ các nội dung trong EVFTA để có được phương thức thực hiện trong sản xuất và hoạt động thương mại với thị trường EU cũng như có phương án đầu tư đổi mới công nghệ và kỹ năng quản lý; xây dụng phương án kinh doanh đảm bảo cạnh tranh khi hàng hoá của EU tràn vào Việt Nam.