Hồi ký những bước thiên di tuổi thơ tôi

15/04/2020 19:33

Tôi bắt đầu câu chuyện của đời mình, từ những hòn bi ve xanh đỏ mà ngày xưa tuổi thơ mình ham chơi đến quên ăn quên cả giờ đến trường, để rồi phải nhận những trận đòn của cha mẹ đến sưng cả chân tay và mông nữa.

Những lúc như thế tôi chỉ biết khóc và khóc thôi, rồi một ngày kia bạn bè cùng lứa rủ rê lại ham chơi, tôi không thể hiểu nổi ma lực nào mà những tiếng uyn, đơ, toa lại làm chúng tôi mê say đến vậy, những viên bi ve ma lực. Ngày ấy trong trang lứa chúng tôi mà có bi ve chơi với nhau là thuộc diện các cậu troai phố rồi đấy!

Chân dung tác giả.

Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Kỳ Bá, xa xưa là các làng Kỳ Bá (Bo), Đồng Lôi (Bằng Lôi) An Tập thuộc tổng Lạc Đạo huyện Vũ Tiên, mà xa nữa nó thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Nhà tôi thuộc phố huyện An Tập, nơi đây một thời là phố ăn chơi của các quan xã, quan huyện, quan tổng, và các quan thuộc hàng Tổng nữa,và nơi đây còn được gọi là phố Cô Đầu, một trong những phố ăn chơi thuộc hàng nhất, nhì tỉnh.

“Theo lịch sử ngày 21 tháng 03 năm 1890 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình gồm: phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương (được tách ra từ tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (được tách ra từ tỉnh Hưng Yên và sát nhập vào phủ Thái Bình) tỉnh lỵ tỉnh Thái Bình đặt tại phủ Kiến Xương, bên dòng sông Trà Lý” - Theo địa chí Thái Bình.

Phố An Tập được tính chính xác là từ cầu Gốc Mít đến cầu Nề, đầu phố là nhà ông bà Lục Sự, cuối phố là nhà bà My Lân, chúng tôi lớn lên tại nơi đây cuộc sống của trẻ thơ cứ êm đềm trôi theo con người từ đầu phố đến cuối phố biết nhau thân thiện. Hai bên phố là những cây bàng rất to, chúng tôi gọi là bàng Châu, mỗi mùa quả chín là tôi và các bạn vẫn đi trèo cây lấy quả chia nhau ăn, mùi vị chua chua rất ngon nếu gặm đến hạt thì nó có màu đỏ và ngọt, tôi rất thích mùi vị của nó.

Năm 1964 chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất, gia đình tôi đi sơ tán lúc thì về quê ngoại, ngoài Hải Phòng ở gia đình bà dì Út của mẹ, lúc thì về thôn Phú La, xã Đô Lương, huyện Tiên Hưng, vì thời kỳ đó chị cả theo học Sư phạm 7+ 3 khoa Xã hội. Ở đó bố mẹ tôi mở cửa hàng bán phở ở chợ Phú La. Chợ Phú La bên cạnh dòng sông lúc đó tôi thấy nó rộng lắm, mọi người nói sông sâu lắm có thuồng luồng hay bắt trẻ con nên tôi sợ không bao giờ tắm ở đó, nhưng lũ bạn tại làng ấy vẫn tắm bơi lội mỗi khi hè về.

Lớp học tuổi thơ (ảnh minh họa).

Chợ Phú La có hai cây đa rất to năm 1968 bị bão quật đổ, cả làng Phú La ai cũng khóc thế là từ đó không còn hai cây đa cổ thụ ở đầu làng nữa, đến cuối năm 1968, gia đình tôi lại về phố An Tập, tôi đang học lớp hai nơi sơ tán nghỉ mất một năm về thị xã tôi đăng ký học lớp bốn thầy Luyến ở đường Lê Lợi dạy, mặc dù bỏ học cách quãng nhưng tôi vẫn làm lớp trưởng lớp 4C Trường cấp một Quang Trung, và là một trong những học trò giỏi của lớp. Tháng 9 năm 1969 tôi thi vào cấp hai Trần Phú, thầy giáo Nguyễn Văn Ninh làm Hiệu trưởng, và tôi thi đỗ gần như có hạng trong đợt tuyển sinh ấy, năm ấy chúng tôi phải có hai kỳ thi nhé, một là thi tốt nghiệp cấp I, và thi tuyển vào lớp 5 cấp II.

Ở cấp II tôi học lớp 5A do cô Mỹ dạy môn Văn làm chủ nhiệm, thầy Duẩn dạy Toán học được một học kỳ tôi mới biết đấy là hai vợ chồng thầy cô Duẩn Mỹ. Thầy Viết quê ở Trần Lãm dạy Thể dục chúng tôi, đến năm lớp 6 thì cô Lan con dâu cô Thất cùng phố An Tập dạy chúng tôi. Đến năm lớp 6 tôi học lớp do cô Sáu chủ nhiệm, nhưng một lần nữa giặc Mỹ lại đem máy bay ra đánh phá miền Bắc và gia đình tôi là một trong rất nhiều những gia đình bị mất mát đau thương.

Trở lại câu chuyện về thị xã Thái Bình sau này tôi lớn lên đi công tác và có gặp một vài các anh các cô, bác nhiều tuổi kể cho tôi nghe về phố An Tập của tôi. Phố An Tập hay còn gọi là phố Cô Đầu, còn chúng tôi được nhiều nơi gọi là dân Cô Đầu, bởi vì do hoàn cảnh cuộc sống cũng như do vị trí địa lý đã quyết định nhân cách của chúng tôi thời đó, tôi sống giữa một số bạn bè thất học họ chỉ mải kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu cần thiết hằng ngày, bằng mọi cách phải có tiền cho dù phải làm những gì phi pháp miễn là không bị bắt, tôi được chứng kiến rất nhiều những người ở quê lên bị móc túi, rồi những thứ của công bị lấy… vì lúc đó chiến tranh đã làm lên một nhóm người như thế.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi ai trong số chúng tôi bị những người nơi khác gây chiến thì gần như tất cả anh em đều đồng lòng lao vào cuộc chiến phải làm cho đối phương biết mình là dân Cô Đầu đó là lời tuyên thệ của các trai phố An Tập. Hôm nay những con người đó người thì đã mất, người thì đi cải tạo. Trong phía sau ở xã hội phố An Tập, lúc ấy thì toàn dân phố tôi còn rất nhiều người tốt, còn có những cá nhân quên mình cho sự nghiệp giữ nước, còn rất nhiều những trai tráng xung phong lên đường vào miền Nam chiến đấu, họ ra đi để lại một phố An Tập luôn là một phố có truyền thống đoàn kết kiên trung.

Năm 2010 tôi có gặp anh Nguyễn Đức Nhiên là người trong họ An Kỳ Nguyễn Tộc, hiện nay anh đang ở Hội Luật gia Hà Nội, trong buổi giỗ họ Nguyễn làng Kỳ Bá. Anh Nhiên năm nay đã 85 tuổi anh còn khỏe và minh mẫn, anh hỏi tôi: “Chú có đọc Cầu Bo qua phố của tác giả Võ Bá Cường không?”. Tôi nói có nhưng chưa đọc hết anh ạ, anh Nhiên thở dài và nói: “Ông nhà văn ấy không biết nhiều về phố An Tập nên viết có phần sai, buồn quá nhỉ. Người phố mình không ai viết lại thì sau này con cháu nó không hiểu những gì mà ông cha mình để lại. Chú Đức Viên à, cái đình An Tập mà theo như ông nhà văn Võ Bá Cường kể thì là chưa đúng, cái đình ấy ông ấy gọi là đình Hàng Phố là không đúng đâu, ông Võ Bá Cường lấy ông Triệu làm tòa án tỉnh ra là nhân chứng là không chính xác được vì ông Triệu không là người dân An Tập gốc, chú nhé.

Tôi được bố tôi kể lại thế này,… Anh đưa mắt nhìn ra xa đi một lúc hút một điếu thuốc Thủ Đô bao bạc anh chầm chậm kể: Đình Hàng Phố là ở trên phố cả cơ bây giờ là Bưu điện trung tâm, thời Pháp chiếm đóng Thái Bình đình Hàng Phố rất đẹp và rất to nằm quay mặt về hướng Đông Bắc, nhìn chéo sang bên kia là nhà thờ đạo Tin Lành. Quân Pháp cho rằng cần xây dựng một sân bay quân sự ở Thái Bình nên đã tháo dỡ đình Hàng Phố để giải phóng mặt bằng làm một sân bay từ đó chạy thẳng đến sân vận động ấy. Khi tháo bỏ đình các cụ ở phố An Tập do các quan hay qua lại chơi nghe hát Cô Đầu nên đã xin về xây lại cái đình An Tập đấy chú nhé. Như vậy đình An Tập đã có từ rất lâu đến thời chúng tôi sinh hoạt thiếu niên vẫn còn.

Đình An Tập nằm trên mặt đường Lý Bôn đối diện với đường Phan Bá Vành bây giờ cái nhân vật anh Thào trong chuyện của ông ấy là đúng, sau này anh Thào mất tại đình An Tập chú có nhớ không? Lúc anh Thào mất tôi đang đi kháng chiến trên đường biên nên không biết nhưng sau cũng nghe tin anh Thào đã mất.

Hết câu chuyện về đình Hàng Phố anh quay sang nói về tất cả tác phẩm “Cầu Bo qua phố” một câu hỏi đặt ra tại sao thị xã Thái Bình của chúng mình có biết bao nhiêu người tốt, những tấm gương tốt, họ cả đời cống hiến cho mảnh đất này, mà ông ấy không viết? Mà trong  ấy ông Võ Bá Cường lại đưa hai nhân vật người thì loạn chữ tên là Quốc Trình nghe nói quê không phải ở thị xã, và một nhân vật cô bé tên là Giản điên quê ngoài Vũ Thư vào chuyện và coi là nhân vật của quê mình? Sao? Hay ông Cường là người nhà thân nhân của hai nhân vật ấy? Và tôi cũng không hiểu vì sao? Đến đây cũng đúng lúc việc cúng tế họ đã xong, tôi và anh vào mâm cỗ để chia lộc họ. Sau đó chia tay anh Nhiên một Luật sư của Hội Luật gia Hà Nội một người con của quê hương An Tập, và tôi thấy mình như cũng có lỗi khi không kịp thời có ý kiến này.

Kỳ sau: Chiến tranh đã đi qua gia đình tôi như thế!

Hồi ký của Đức Viên

Dòng xoáy nghiệt ngã của “Cát bụi thương trường” Dòng xoáy nghiệt ngã của “Cát bụi thương trường”

“Cát bụi thương trường” là bộ tiểu thuyết nói về sự ra đời, “phất lên” và đổ vỡ của tập đoàn Hồng Ngọc, mà người đứng đầu là Ngọc - cô gái vừa tốt nghiệp ra trường công tác với...

Nguồn DN&TT

Bạn đang đọc bài viết "Hồi ký những bước thiên di tuổi thơ tôi" tại chuyên mục Thương hiệu - Sắc đẹp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN HOA LAN VIỆT NAM và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Trung tâm phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website https://vietnamhuongsac.vn/ theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Chia sẻ Zalo

Cùng chuyên mục