Xin được gọi những tấm lòng của cụ bà 80 ở Quảng Nam gom góp tiền tiết kiệm của mình ủng hộ phòng chống dịch, đến những doanh nhân từ tỉnh lẻ, hay tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Bill Gates cùng hàng triệu những nhà khoa học, y bác sĩ…là những "Thiên sứ" trong đời thực giữa cơn khốn nguy của nhân loại-dịch COVID 19!
Nhiều người chỉ trích các chính phủ không nhanh chóng có giải pháp ngăn chặn. Nhưng hãy nhớ một điều rằng, với đại dịch COVID-19 theo Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, chuyên gia virus học hàng đầu Vitaliy Zverev kêu gọi thế giới có thể phải chấp nhận rằng chủng virus Corona mới sẽ tồn tại mãi mãi cùng với nhân loại.
Vingroup đã quyết định dừng dây chuyền sản xuất ô tô để sản xuất máy thở
“Cần hiểu rằng loại virus này không xâm nhập vào loài người chỉ riêng hôm nay hay là cho đến mùa Hè, hoặc mùa Thu. Nó đến và ở lại trong nhiều năm, thậm chí có thể là vĩnh viễn, 70% cư dân thế giới sẽ có thể bị nhiễm bệnh do chủng virus này”-Viện sĩ Vitaliy Zverev nói.
"Tồn tại hay không tồn tại?" là câu hỏi được đặt ra của mỗi con người chung sống trên trái đất này. Lịch sử đã từng minh chứng, mỗi lúc hiểm họa là những "thiên sứ" đời thường xuất hiện với tấm lòng "cứu nhân độ thế" bằng những việc làm thiết thực của mình.
Hãy nhìn cụ bà ở Quảng Nam gom góp tiền tiết kiệm của mình ủng hộ công tác phòng chống dịch sau lời hiệu triệu được phát ra từ Chính phủ, và sau đó là những doanh nhân tỉnh lẻ và đến các tỷ phú như Phạm Nhật Vượng sẵn sàng nhường nhà máy và huy động nhân lực, vật lực để sản xuất máy thở.
Hôm ngày 3/4/2020, Vingroup công bố quyết định kêu gọi các viện nghiên cứu cùng các nhà máy sản xuất của mình nhanh chóng triển khai sản xuất 5.000 máy thở các loại và máy đo thân nhiệt để tặng cho Bộ Y tế. Sau đó tiếp tục nâng công suất mỗi tháng lên 55.000 máy thở các loại để cung ứng cho yêu cầu cứu sống bệnh nhân.
Sự vào cuộc quyết liệt của doanh nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cộng sự tại Vingroup thể hiện rõ tấm lòng của một doanh nhân với đất nước trong lúc khốn nguy của dịch bệnh chết người bủa vây.
Chắc chắn, Vingroup cũng như hàng nghìn nghìn doanh nghiệp khác còn nhiều khó khăn giữa đại dịch. Nhưng sự sẻ chia vật chất lẫn tinh thần giữa lúc khốn nguy là tấm lòng của "thiên sứ" giữa đời thường.
Lịch sử cũng từng minh chứng gữa lúc nguy nan, tinh thần dân tộc của những doanh nhân như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà…Và lúc này đây, hàng nghìn doanh nhân khác trên mọi miền đất nước đang nối tiếp bước chân của những tiền nhân.
Hãy nhìn ra Thế giới đại đồng, "thiên sứ" giữa đời thường Bill Gates xuất hiện với quyết tâm đầu tư xây 7 nhà máy sản xuất vắc-xin trị COVID-19, và chấp nhận chi hàng tỷ USD để có vắc-xin sớm hơn vài tháng.
Bill Gates đang chi hàng tỷ USD xây dựng 7 nhà máy sản xuất vắc-xin trị COVID-19
Tỷ phú Bill Gates bảo rằng sẽ cố gắng dồn tiền vào xây dựng nhà máy sản xuất 7 loại vắc-xin COVID-19 tiềm năng, một công việc có thể phung phí hàng tỷ USD khi chỉ có 2 nhà máy được chọn cuối cùng sẽ đi vào hoạt động.
Sự lãng phí nếu có của Bill Gates - cũng bởi ông không muốn tốn thời gian để tìm hiểu xem loại vắc-xin nào thực sự hiệu quả rồi mới đi xây nhà máy sản xuất.
Việc xây dựng 7 nhà máy ngay từ bây giờ sẽ tiết kiệm được hàng tháng trời, và vài tỷ USD sẽ sớm cứu được hàng nghìn tỷ USD "bay hơi" trong nền kinh tế.
Bởi nếu chần chừ, bởi nếu tranh cãi mà không hành động tìm và điều chế nhanh loại vắc-xin COVID-19 chậm ngày nào là nhân loại sẽ đối mặt với hiểm nguy ngày đó.
Để ngăn chặn đại dịch, cần một nỗ lực toàn cầu trong việc sản xuất và phân phối các thiết bị y tế, thuốc điều trị, và các phương tiện cần để "chiến đấu" trong cuộc chiến không tiếng súng này.
Theo các chuyên gia khuyến cáo: Thay vì tất cả các nước bươn ra tự sản xuất và tích trữ bất cứ thiết bị nào mua được, một nỗ lực hợp tác trên quy mô toàn cầu sẽ giúp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối các thiết bị hiệu quả hơn để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.
Khó khăn này đòi hỏi chúng ta phải “nhân tính hóa” những dây chuyền sản xuất quan trọng. Một quốc gia giàu có ít các ca nhiễm virus nên sẵn lòng tiếp viện những thiết bị y tế quý giá cho những nước nghèo hơn đang bị ảnh hưởng nặng nề với niềm tin rằng khi đến lượt mình cần giúp đỡ, các quốc gia khác sẽ chung tay.
Sự xuất hiện của "Thiên sứ" giữa đời thường và một chiến dịch hợp tác của lực lượng y tế toàn cầu giữa các quốc gia như trường hợp các nước ít bị ảnh hưởng có thể cử nhân viên y tế đến những vùng dịch trong khu vực vừa để giúp cứu người kịp thời vừa có thể thu thập những kinh nghiệm quý giá.
Xét bản chất toàn cầu của kinh tế và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ tự ý hành động mà không đếm xỉa gì đến những quốc gia khác, hậu quả sẽ là hỗn loạn và suy thoái sâu. Chúng ta cần một bản kế hoạch hành động toàn cầu và xúc tiến nhanh.